Ngành du lịch ĐBSCL cần hơn 200.000 lao động

Theo Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, Tổng Cục du lịch, cho biết, dự báo nhu cầu về nhân lực của ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 sẽ cần 208.000 người. Trong đó có 75.400 lao động trực tiếp và trên 132.000 lao động gián tiếp.

Như vậy, nhu cầu về nhân lực cho ngành du lịch của các tỉnh ĐBSCL đang là điều kiện cần đầu tiên nếu các tỉnh miền Tây muốn đa dạng hóa và đẩy mạnh tốc độ phát triển ngành du lịch tại địa phương mình.

Thiếu và yếu

Trong năm 2012, du lịch ĐBSCL đón gần 20 triệu du khách, trong đó chỉ có 1,6 triệu là du khách quốc tế. Doanh thu đạt khoảng hơn 4,3 ngàn tỷ đồng, chiếm chưa đến 6% doanh thu du lịch của cả nước. Không chỉ không tăng về số lượng mà thời gian các du khách lưu trú lại các địa phương với thời gian chưa cao. Chỉ đạt bình quân 1,95 ngày với du khách quốc tế và 1,7 ngày với các du khách nội địa.

Theo nhận định của ông Trần Đạt Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, ngoài những nguyên nhân do chưa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chưa xây dựng tốt cơ sở hạ tầng thì vấn đề chất lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn tới sự tăng trưởng của ngành du lịch tại các tỉnh của ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, hiện nay, nhân lực phục vụ ngành du lịch của ĐBSCL đang rất thiếu về kiến thức chuyên môn tối thiểu của ngành; chưa được trang bị đúng và đủ kiến thức, kỹ năng, qui trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp.

Mặt khác, năng lực ngoại ngữ, tin học đảm bảo yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể chưa cao nên khó có thể tiếp cận, phục vụ chu đáo với du khách quốc tế. Sự liên kết đào tạo với các trường du lịch tại TP.HCM chưa mang lại kết quả tốt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trở về làm việc trong ngành du lịch tại ĐBSCL rất thấp.

Giải pháp “5 tại chỗ”

Để nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực cho du lịch ĐBSCL, không chỉ các nhà quản lý ngành du lịch của các địa phương mà cần có những chính sách, giải pháp mang tính vĩ mô của cơ quan cấp bộ trong từng lộ trình chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực tại ĐBSCL.

Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Vụ trưởng cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP.HCM, phải đa dạng hóa các phương thức đào tạo, ngắn, trung, dài hạn. Liên kết đào tạo, tập huấn và chuyên sâu. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các địa phương, đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nguồn nhân lực.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng ĐBSCL” cuối tháng 4/2013 vừa qua tại An Giang, các nhà quản lý du lịch của ngành và các địa phương cho biết, do tính đặc thù và độc đáo của các sản phẩm du lịch tại ĐBSCL nên cần linh hoạt và đa dạng hóa các hình thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành tại các địa phương.

Để giải quyết bài toán trước mắt về thiếu và yếu lao động trong ngành, các địa phương nên thực hiện phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo phương châm “5 tại chỗ”. Đó là, tuyển dụng, đào tạo, thực hành, sử dụng và phát triển tại chỗ.

Theo đó, các địa phương cần đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động du lịch và liên quan du lịch tại khu, điểm du lịch của địa phương mình. Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch cần được đa dạng hóa theo yêu cầu của kinh tế thị trường, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch với nhiều trình độ đào tạo như đại học, trung cấp.

Các doanh nghiệp, cá nhân đang làm du lịch cũng thực hiện việc gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường, các trung tâm đào tạo nhân lực du lịch, để đáp ứng yêu cầu khắc phục nhanh tình trạng nguồn nhân lực của ngành du lịch trong vùng thiếu và yếu.

Có như vậy, đến năm 2020, ĐBSCL mới thực hiện phát triển du lịch theo bốn cụm gồm cụm trung tâm thuộc bốn tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang với loại hình du lịch chủ lực tại đây là sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp./.

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.