Mỗi năm có 20.000 người chết do bệnh lao, gấp đôi tai nạn giao thông

Mỗi năm có 20.000 người chết do bệnh lao, gấp đôi tai nạn giao thông. Đây là nhận định của PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhân Ngày Thế giới chống lao 24-3.

Theo PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ, qua đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Mặc dù nhận được đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế chống lao nhưng bệnh lao vẫn là gánh nặng sức khỏe của cộng đồng. Mỗi năm, Việt Nam có tới hơn 180.000 người mắc mới lao và 20.000 người chết do bệnh lao, cao gấp 2 lần tai nạn giao thông. Số người được phát hiện lao và chữa khỏi chỉ chiếm gần 60% số người mới mắc bệnh. Đặc biệt, bệnh lao đang có chiều trẻ hóa khi số người mắc lao ở độ tuổi thanh thiếu niên chiếm gần 2% trong tổng số người mắc lao.

PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ cho biết thêm bệnh lao hiện không còn được coi là một trong tứ chứng nan y nữa mà hoàn toàn có thể chữa trị được. Hàng năm, Việt Nam đã điều trị, chữa khỏi cho khoảng 90.000 bệnh nhân lao. Mặc dù vậy, bệnh lao khi đã được chữa khỏi vẫn có thể mắc trở lại. Người chữa khỏi bệnh lao có thể tái mắc bệnh thông qua việc lây nhiễm bệnh lại từ người khác vì không có miễn dịch chống lao vĩnh viễn hoặc vi khuẩn lao còn sót lại trong người bệnh.

Trong khi đó, bệnh lao lây lan rất nhanh trong cộng đồng, hơn tất cả các bệnh khác vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp. Một người bị lao sẽ lây cho 10-15 người khác trong một năm. Ngoài ra, hiện nay ở nước ta tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc và bệnh lao ở người nhiễm HIV cũng diễn biến phức tạp, ở mức cao. Số bệnh nhân chưa được phát hiện còn quá lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Trong khi đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân còn lớn, khiến cho người mắc lao giấu bệnh, tự chạy chữa khiến bệnh càng nặng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.

Trong khi đó, Chương trình Phòng chống lao quốc gia lại đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, triển khai các chương trình phòng chống do thiếu kinh phí và nhân lực. PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ cho rằng, để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả, Chương trình phòng chống lao quốc gia cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản và giảm kỳ thị; khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống lao.

SGGP

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.