Kỷ niệm trọng thể 40 năm ngày ký Hiệp định Paris

Cách đây 40 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20.

Ngày 25/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam – một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris
về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Cách đây 40 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20. Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó, trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, phải xuống thang và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris.

Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; có sự đóng góp từ những nỗ lực hết mình của các cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà trực tiếp là cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ Hội nghị Paris và Hiệp định Paris để lại nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa lớn trong tình hình hiện nay. Trước hết là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng.

Thứ hai là bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thứ ba, thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thứ tư là bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Để vượt qua những thách thức lớn, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương cách cực kỳ quan trọng, bảo đảm thắng lợi.

Thứ năm là bài học về xây dựng lực lượng. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao đã trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ôn lại bài học lịch sử là để sống xứng đáng với các thế hệ cha anh, để hành động có trách nhiệm hơn trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngoại giao Việt Nam và những bài học quý giá của Hội nghị Paris, công tác đối ngoại cần quát triệt, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XI của Đảng đã đề ra, trong đó cần tập trung làm tốt 4 việc.

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Thứ hai, kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; là bạn là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam giàu mạnh; nỗ lực triển khai định hướng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Thứ ba, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Vận dụng sáng tạo bài học “kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại” trong bối cảnh mới, giữ vững môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và thế giới; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại tuyệt đối trung thành, suốt đời phấn đấu vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân
cho Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đàm phán
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam./.

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.