Học sinh, sinh viên 4 tỉnh miền Trung nghỉ học tránh bão số 10

Từ rạng sáng 30/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng, gió và mưa đã mạnh dần lên. Bão đổ bộ cùng với mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ (khoảng từ 200 – 300 mm) trùng với thời điểm triều cường, trong khi miền Trung vừa trải qua những đợt mưa lớn mực nước sông suối còn rất cao, nếu không đề ra nhiều phương án xử lý sẽ rất nguy hiểm cho người dân.

Mực nước sông Hương đã lên rất nhanh.

Từ trưa ngày 29/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị, ban ngành về phương án phòng chống cơn bão số 10. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, bão số 10 là cơn bão mạnh nhất kể từ năm 2006 đến nay, cơn bão này có đường đi khó lường và cực kỳ nguy hiểm, nếu hướng đi của bão không có gì thay đổi thì các cấp học phải cho HS, SV nghỉ học ngay trong ngày 30/9. Cho tới thời điểm này, ngành GD-ĐT cả 4 tỉnh miền Trung đã cho SV,HS nghỉ học.

Tại Quảng Bình: 3.700 tàu với hơn 7.000 thuyền viên đã được huy động vào nới tránh trú bão an toàn. Tỉnh đã chủ động phương án dời dân, sơ tán dân ở các vùng bị triều cường nguy hiểm, vùng bị chia cắt sâu trong nội địa; đảm bảo về an toàn giao thông cho hành khách qua lại; Huy động các lực lượng quân sự, công an, dân phòng với hơn 100 phương tiện tàu thuyền ca nô, gần 500 cán bô, chiến sĩ sẵn sàng hỗ trợ dân trong những tình huống bất trắc xảy ra.

Tại xã Tân Hóa (Minh Hóa), ông Cao Thanh Bình – Bí thư Đảng ủy xã – cho biết đây là địa hình tâm lũ hằng năm, xã đã ứng phó bằng cách triển khai cho người dân đóng 300 nhà bè chạy lụt, lương thực, thực phẩm tích trữ trong hơn 1 tháng.

Trong khi đó, 600 người dân đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đã được cấp đủ cơ số dầu hỏa, gạo dự trữ trong 2 tháng chống chọi với bão và lũ lụt. Sở GD&ĐT Quảng Bình đã có công văn hỏa tốc gửi các phòng giáo dục và các trường học trên toàn địa bàn cho học sinh nghỉ học từ ngày 30/9 đến lúc hết bão.

Ngoài công tác di dân, việc đối phó với ngập úng cũng được triển khai mạnh vì Quảng Trị sẽ có mưa lớn, các huyện vùng núi, ven biển (như Hướng Hóa, Đăkrông) cần đặc biệt chú ý. Tỉnh cũng đã cho học sinh nghỉ học ngay ngày 30/9.

Tại Thừa Thiên – Huế: Cơn bão số 10 với cường độ lớn, là cơn bão lớn nhất trong 6 năm qua. Thừa Thiên – Huế là một trong những địa phương được dự đoán là trung tâm cơn bão đi qua, sáng 30/9, gió và mưa đã rất to.

Hơn 1.810 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh và 23 tàu các tỉnh khác đã về nơi neo đậu an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo khoảng 2.884 hộ, 11.561 nhân khẩu ở các vùng sạt lở, ven biển phải sơ tán đến nơi an toàn trong tình huống nguy hiểm.

Từ cuối giờ chiều 29/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cùng lãnh đạo các phòng, ban đã thông báo đến giáo viên, phụ huynh và học sinh về việc cho phép các HS, SV nghỉ học trên toàn địa bàn tỉnh. Toàn bộ các trường ĐH, CĐ, và các cấp Mầm non, học sinh cấp 1,2,3 đã thông báo bằng nhiều cách vào cuối giờ chiều này cho các em nghỉ học trong ngày thứ Hai 30/9.

Cán bộ, nhân dân vùng ven biển khẩn trương phòng chống bão.

Tại Quảng Trị: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được dự báo là một trong những địa phương nằm giữa vùng tâm bão đi qua, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gió mạnh, mưa to, lũ lớn, ngập lụt nên công tác ứng phó được triển khai trên diện rộng (toàn tỉnh).

Hàng chục ngàn hộ dân ở các địa phương đã tiến hành tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống phòng khi bão lớn kéo dài, lũ gây ngập lụt lâu ngày. Tỉnh đang triển khai đồng bộ tất cả các kế hoạch đối phó, trong đó ở thời điểm hiện tại là tập trung vào công tác xác định các khu vực nguy hiểm để sơ tán dân kịp thời trước khi bão đổ bộ. Hiện tàu thuyền của ngư dân Quảng Trị đều đã được thông báo và về nơi trú ẩn an toàn.

Ông Nguyễn Đức Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – chỉ đạo: Trước cơn bão số 10 đi rất khó lường, lãnh đạo các địa phương không được lơ là trong ông tác chuẩn bị trước, trong và sau khi bão vào, và đặc biệt, cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách không được tắt điện thoại.

Những nhà cấp 4, không đổ mái bằng, nhà tạm bợ nằm trong diện di dời thì đã lên phương án chủ động di dời đến các địa điểm, các nơi kiên cố như nhà 2 tầng, trường học… và đảm bảo đủ lương thực cho bà con tại nơi sơ tán.

Tại Đà Nẵng: Trước diễn biến của cơn bão số 10 mà Đà Nẵng được xác định là một trong những địa phương nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã sẵn sàng triển khai các phương án chống bão, lũ, lũ quét; rà soát khu vực dân cư đang sinh sống ở những khu vực trũng thấp, ven biển, sông suối, sẵn sàng di tán dân; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm để phòng xuất hiện lũ lớn.

Ban chỉ huy PCLB – TKCN Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn cho học sinh, sinh viên nghỉ học vào ngày 30/9. Đồng thời yêu cầu Ban chỉ huy PCLB – TKCN các sở, ban, ngành và các quận, huyện khẩn trương công tác PCLB và TKCN để ứng phó với cơn bão số 10./.

(Theo gdtd)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.