Hỗ trợ nông dân Khmer thoát nghèo

Từ khi thực hiện về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng các chính sách hỗ trợ khác, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer ở Hậu Giang đã ổn định cuộc sống, chuyên tâm làm ăn và phấn đấu thoát khỏi diện nghèo.

hau-giang-190815Ông Danh Quận thực hiện mô hình trồng bắp từ đất sản xuất được Nhà nước hỗ trợ.

Gia đình ông Danh Quận, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là hộ nghèo từ năm 2007, do cha mẹ ông già yếu bệnh nặng, lại phải lo cho 5 người con ăn học, nên ông cho thuê 2.000 m2 đất sản xuất, để lấy hơn 15 triệu đồng. Không còn đất sản xuất, vợ chồng ông phải đi làm thuê. Năm 2009, nhờ chính sách hỗ trợ đất sản xuất, ông Quận được hỗ trợ 10 triệu đồng, vay 10 triệu đồng không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông đã lấy lại đất để triển khai mô hình trồng lúa, rau màu, đào ao nuôi cá. Năm 2010, gia đình ông Quận thoát khỏi diện hộ nghèo, mỗi năm thu nhập từ các mô hình gần 100 triệu đồng. Ông đã có điều kiện lo cho 5 người con học hành đầy đủ, trong đó người con lớn đang học cao học, hai con học đại học và hai đang học trung học phổ thông. Ông Danh Quận chia sẻ: “Nếu không được hỗ trợ, tôi không biết bao giờ mới có đất để sản xuất và lo cho các con ăn học đầy đủ như bây giờ”.

hau-giang-190815aGia đình bà Thị Lộc ở xã Lương Nghĩa được hỗ trợ chuộc đất sản xuất để thực hiện mô hình nuôi cá, nuôi vịt, nuôi heo, đạt thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Danh Sai và bà Thị Lộc cũng ở ấp 10, cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thuộc diện hộ nghèo từ năm 2004 do sử dụng đất sản xuất không hiệu quả, không có việc làm ổn định. Năm 2005, đàn vịt gia đình ông đang nuôi bị dịch cúm và chết hàng loạt, cuộc sống càng trở nên khó khăn, ông Danh Sai đã phải cho thuê 3.000 m2 đất lấy gần 20 triệu đồng lo cho cuộc sống. Năm 2009, ông Sai cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng, trong đó có 10 triệu đồng vay không lãi suất để lấy lại đất. Từ đó, vợ chồng ông quyết tâm thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp; trong đó ông Sai trồng lúa, đào ao thả cá, bà Lộc nuôi vịt lấy thịt và trứng, chăn nuôi heo. Gia đình ông Danh Sai đã thoát khỏi diện hộ nghèo năm 2011, mỗi năm thu nhập gần 150 triệu đồng, xây dựng được một ngôi nhà khang trang. Ông Sai cũng đã chuẩn bị sẵn tiền để trả tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội khi đến hạn.

Bà Lâm Tuyết Thảo, Phó trưởng Phòng Kế hoạch, Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho biết, thực hiện Quyết định 74, Hậu Giang đã hỗ trợ cho gần 2.000 hộ nông dân Khmer, trong đó có 88 hộ được hỗ trợ đất ở, 758 hộ được hỗ trợ đất sản xuất và 1.146 hộ được giải quyết việc làm. Nhờ đó, đời sống đồng bào Khmer Hậu Giang có chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hộ khá giả ngày càng tăng. Năm 2014, toàn tỉnh có gần 240 hộ Khmer thoát nghèo.

Nguyễn Xuân Dự/TTXVN-Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.