Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ

Khắc phục tình tình trạng thiếu bác sĩ tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ năm học 2012- 2013, Trường Đại học Y dược Cần Thơ đào tạo 17 mã ngành với qui mô đào tạo 8.670 sinh viên; trong đó, có 8 mã ngành chính qui, 9 mã ngành liên thông với số lượng 812 sinh viên/năm.

Từ nay đến năm 2018, ĐBSCL kết hợp với Trường Đại học Y dược TPHCM đào tạo 1.840 bác sĩ cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Đối tượng đào tạo là bác sĩ đa khoa hệ chính quy 6 năm (cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông) với số lượng tuyển sinh là 200 sinh viên/năm và hệ liên thông 4 năm (cho y sĩ) tuyển 120 sinh viên/năm.

Ảnh minh họa

Theo Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, hiện ở ĐBSCL chỉ có 5,27 bác sĩ và 0,73 dược sĩ đại học/10.000 dân. trong đó, tỷ lệ thấp nhất là Sóc Trăng chỉ có 3,7 bác sĩ/10.000 dân; tiếp đến là Hậu Giang 4,05 bác sĩ/10.000 dân. Ở Kiên Giang, nhiều xã đảo, huyện đảo đang rất thiếu bác sĩ. Cá biệt, có xã đảo chưa có bác sĩ. Toàn vùng ĐBSCL có 18 triệu dân nhưng chỉ có 9.264 bác sĩ và 1.279 dược sĩ đại học, chỉ đáp ứng 74% số lượng bác sĩ, dược sĩ đại học cần có. Riêng tại Sóc Trăng, Hậu Giang, số bác sĩ chỉ đáp ứng 54% và 58% nhu cầu cần có. So với tiêu chuẩn thì ĐBSCL còn thiếu 3.048 bác sĩ và 655 dược sĩ đại học. Không chỉ thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học, hiện tượng chảy máu “chất xám y tế” đang diễn ra ở nhiều địa phương. Con số thống kê gần đây cho thấy, chỉ có từ 23,6 % đến hơn 38 % sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2011 ở 4 ngành: bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt, dược sĩ đại học và cử nhân điều dưỡng về làm việc tại các cơ sở y tế địa phương. Trong đó, không có sinh viên nào sau khi tốt nghiệp ngành răng hàm mặt về công tác ở các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre. Đối với ngành dược sĩ đại học, tình trạng cũng tương tự.

Thời gian qua, hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã áp dụng một số chính sách ưu đãi bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học nhưng vẫn không thu hút được lực lượng nói trên về công tác. Trong khi đó, mạng lưới y tế ngày càng phát triển, nhu cầu được chăm sóc, khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, đòi hỏi phải có lượng bác sĩ, dược sĩ đại học tăng lên tương ứng nhưng đến nay các tỉnh vẫn chưa đáp ứng kịp./.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.