Đề xuất tăng lương tối thiểu đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Nếu thực hiện theo phương án tại dự thảo thì lương tối thiểu đáp ứng được khoảng 87%-90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng.

Năm 2016, dự kiến mức tăng lương tối thiểu vùng bình quân là 14,2%. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Năm 2016, dự kiến mức tăng lương tối thiểu vùng bình quân là 14,2%. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo dự thảo, mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/1/2016 gồm 4 mức: mức 3,5 triệu đồng áp dụng đối với vùng 1; mức 3,1 triệu đồng áp dụng đối với vùng 2; mức 2,7 triệu đồng áp dụng với vùng 3 và mức 2,4 triệu đồng áp dụng với vùng 4. Mức lương tối thiểu vùng này trùng với khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất ngày 03/9.

Mức lương tối thiểu trên tăng từ 250.000-400.000 đồng so với năm 2015, tương ứng từ 11,6-12,9% tùy theo từng vùng. Mức tăng này được tính toán dựa trên cơ sở: Bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2015 dự kiến khoảng 4%-5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 3%-3,5% và điều chỉnh tăng thêm ở mức vừa phải (khoảng 4-5%) để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Mặt khác, phương án trên được đánh giá cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, do mức tiền lương thấp nhất các doanh nghiệp thực tế đang trả cho người lao động nhìn chung cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2015: vùng 1 là 3,5 triệu đồng, vùng 2 là 3,39 triệu đồng, vùng 3 là 3,14 triệu đồng và vùng 4 là 2,85 triệu đồng.

Doanh nghiệp chủ yếu sẽ phải tăng thêm phần đóng bảo hiểm xã hội. Dự báo chi phí sản xuất tính bình quân chung của các doanh nghiệp tăng khoảng 0,46%, trong đó ngành dệt may tăng khoảng 2,77% và ngành giày da tăng khoảng 2,71%.

Về địa bàn áp dụng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất cơ bản giữ nguyên 4 vùng và danh mục địa bàn ở 4 vùng theo quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời có điều chỉnh, phân vùng từ vùng 4 lên vùng 3 theo đề nghị của các địa phương: thị xã Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh, thị xã Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu, thị xã Cai Lậy và huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Tiền Giang, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Dự thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến từ nay đến hết ngày 04/11.

Hồng Kiều (Vietnamplus.vn)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.