Công nghệ thông tin và truyền thông – Công cụ chống tham nhũng hiệu quả

Ngày 12/6, trong khuôn khổ Chung kết Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2013 (VACI 2013), Ban tổ chức đã tiến hành cuộc Tọa đàm về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong phòng, chống tham nhũng: Thuận lợi và thách thức.

Song song với hoạt động Tọa đàm, các đại biểu còn được nghe những chia sẻ, tư vấn pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động cộng đồng về phòng, chống tham nhũng.

Tọa đàm khẳng định công nghệ thông tin và truyền thông có vai trò tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (Ảnh: HNV)

Tại Tọa đàm, ông T.R Raghunnandan, chuyên gia Ấn Độ về công nghệ thông tin và truyền thông đã chia sẻ khái quát về vai trò giám sát, công cụ giúp tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm tham nhũng của công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó, căn cứ vào công thức Robert Klitgaard, tham nhũng là tổng hợp của sự độc quyền, tùy thiện và thiếu trách nhiệm và với một loại tham nhũng sẽ cần một giải pháp khác nhau. Cụ thể, sẽ có tham nhũng vặt, tham nhũng chính trị, tham nhũng chính sách và chiếm của cải nhà nước, tham nhũng khu vực tư nhân, tham nhũng trong mua sắm công, trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Bởi thế, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông chính là cách thức để hợp lý hóa các quy trình nội bộ, giảm thiểu các nguy cơ tham nhũng của những cơ quan, đơn vị có nguy cơ xảy ra tham nhũng, lãng phí cao. Ông T.R Raghunnandan khẳng định: với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chúng ta sẽ thực hiện việc công bố và tuyên truyền thông tin, hướng tới dịch vụ không tham nhũng, cải tiến công tác bầu cử, lấy ý kiến nhanh về các dự định cải cách đồng thời phản hồi nhanh về các biện pháp cải cách từ các nhóm công dân, các tổ chức xã hội, các mạng lưới phi chính thức và đối thoại chính trị…

Chia sẻ về tính hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch, TS Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tập trung vào cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông được tăng cường; quan tâm xây dựng các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong hoạt động của cơ quan nhà nước bằng cách nâng cao hiệu quả kênh tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân trên môi trường mạng…

Tập thể thầy và trò khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bên gian Đề án đạt giải VACI 2013 (Ảnh: HNV)

Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 xác định: phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Số liệu thống kê cho thấy, hầu hết thủ tục hành chính đã được đưa lên mạng tại website/portal của cơ quan nhà nước và tại website cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính www.csdl.thutuchanhchinh.vn. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 ngày càng tăng và được triển khai sâu rộng…

Tuy nhiên, khảo sát tình hình doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2012 cho thấy, có 17,4% doanh nghiệp được hỏi không biết đến dịch vụ đăng ký trực tuyến kinh doanh; 7,93% doanh nghiệp không có thông tin về dịch vụ đăng ký kinh doanh; 22,5% doanh nghiệp không biết có dịch vụ đăng ký khai báo hải quan từ xa và 25,94% doanh nghiệp không có thông tin về đấu thầu trực tuyến. Dịch vụ có số lượng doanh nghiệp không sử dụng nhiều nhất là đấu thầu trực tuyến (59,24%); đăng ký khai báo hải quan từ xa (57,24%); đăng ký kinh doanh trực tuyến (50%); đăng ký khai thuế trực tuyến (22,68%). Khoảng 10% doanh nghiệp khảo sát chưa sử dụng những dịch vụ công trực tuyến này cho biết sẽ sử dụng chúng trong tương lai. Đối với người dân, tỷ lệ chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn cao (34%) với các lý do: chưa biết có dịch vụ công trực tuyến (42%), không thích sử dụng (13%), thích trực tiếp làm việc với cơ quan nhà nước (16%), dịch vụ chưa thật tiện dụng (16%). Một số dịch vụ công trực tuyến được sử dụng phổ biến trong nhân dân là: đăng ký, tra cứu thông tin, nộp thuế thu nhập cá nhân, đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, cấp đổi giấy phép lái xe…

Cũng theo TS Nguyễn Trọng Đường, xuất phát từ thực tiễn việc tăng cường cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vào các hoạt động của đời sống, sản xuất và kinh doanh.

Được biết, 40 đề án lọt vào vòng chung khảo VACI 2013 và 24 đề án được trao giải lần này đều ít nhiều thể hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong triển khai Đề án của mình. Đặc biệt, có nhiều Đề án tập trung phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin và truyền thông như: Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng” của Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đề án “Xây dựng chuẩn mực mối quan hệ thầy trò, minh bạch, trong sáng, lành mạnh, góp phần xóa bỏ các tệ nạn, phòng chống tham nhũng ở giảng đường Đại học – Giai đoạn 2” của Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đề án “Cổng thông tin điện tử Tôi đi hối lộ (www.toidihoilo.com) của Công ty cổ phần dịch vụ dữ liệu trực tuyến Việt Nam; Đề án “Thi vẽ tranh biếm họa về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí” của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC Media); Đề án “Diễn đàn kết nối cộng đồng VACI-Minhbach.vn” của Công ty TNHH dữ liệu Hà Nội… Với những ý tưởng sáng tạo trên, khi được thực hiện thành công sẽ có sức lan tỏa tạo nên những tác động có tính chất hệ thống và lâu dài, góp phần tích cực giải quyết triệt để tình trạng tham nhũng nói riêng và những vấn đề thực tiễn về minh bạch, liêm chính và trách nhiệm đang đặt ra trong cộng đồng nói chung./.

ĐCSVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.