Cần Thơ cơ bản đạt mục tiêu 3 không về HIV/AIDS

TP Cần Thơ là 1 trong 2 thành phố của cả nước và là 1 trong 10 thành phố thuộc ASEAN thực hiện “Thành phố hướng tới mục tiêu 3 không về HIV/AIDS”. Đó là không còn người nhiễm mới HIV, người tử vong do AIDS cũng như kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS…

* Giảm gần 45% ca nhiễm HIV mới

“Thành phố hướng tới mục tiêu 3 không về HIV/AIDS” (gọi tắt là “TP 3 không”) là chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 do Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) chọn, trong đó có TP Cần Thơ và TP Đà Nẵng. Để thực hiện mục tiêu này, ngày 7-12-2012, HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013. Trong đó, nội dung TP Cần Thơ thực hiện “TP 3 không” được xem là nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Từ đó thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ dự phòng, chăm sóc và điều trị.

Ở chương trình dự phòng, xác định con đường chủ yếu lây nhiễm HIV là qua tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Để giảm 50% ca nhiễm mới HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy năm 2015, thành phố triển khai 5 cơ sở điều trị Methadone và bổ sung 50 biên chế cho các cơ sở. Đến cuối tháng 11-2015, các cơ sở đang điều trị Methadone cho 542 bệnh nhân. Qua điều trị, phần lớn bệnh nhân không còn sử dụng heroin. Từ đó, góp phần giảm tình trạng người nghiện chích ma túy nhiễm HIV. Song song đó, mạng lưới đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng tích cực cấp phát bơm kim tiêm (BKT) miễn phí và thu gom BKT bẩn. Anh Lê Đức Thạnh, phụ trách chương trình HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ninh Kiều, cho biết: “BKT được cấp phát cho người nghiện chích ma túy bằng cách “tay chuyền tay” và qua thùng giảm hại (những điểm tập trung nhiều người chích heroin được gắn thùng giảm hại), kịp thời phục vụ khi người nghiện chích có nhu cầu sử dụng. Khi sử dụng xong, BKT được thu nhặt lại, hạn chế tình trạng chích chung và người đi đường đạp phải BKT vứt bừa bãi”. Với cách làm trên, số nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy giảm mạnh. 11 tháng năm 2015, chỉ có 53 trường hợp, trong khi năm 2013, có 125 trường hợp nhiễm mới HIV.

71

Bệnh nhân uống Methadone tại Cơ sở Methadone Ninh Kiều.

Với mục tiêu giảm 50% ca nhiễm mới HIV do quan hệ tình dục không an toàn năm 2015, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ điều phối mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng, đồng đẳng viên theo dấu khách hàng từ dự phòng lây nhiễm HIV đến chăm sóc, điều trị. Mạng lưới này tăng cường tiếp thị xã hội bao cao su (BCS), cung cấp BCS miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao. Từ năm 2013 đến năm 2015, mạng lưới này tiếp thị xã hội gần 3 triệu BCS và phân phát miễn phí trên 257 ngàn BCS. Ngoài ra, tỷ lệ đặt BCS trong phòng nghỉ ở nhà nghỉ, khách sạn từ 86% năm 2013 tăng trên 97% năm 2015. Từ đó, năm 2013 có 236 người nhiễm HIV do quan hệ tình dục, qua 11 tháng năm 2015 giảm còn 151 người. Bên cạnh đó, các trạm y tế đều triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tư vấn, tầm soát phụ nữ mang thai nhiễm HIV để đưa vào điều trị. Điều trị ARV kịp thời cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và cung cấp sữa thay thế. Từ năm 2013 đến nay, thành phố ghi nhận 2 trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, nhờ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm nguy cơ cao nên số nhiễm HIV mới của thành phố giảm mạnh. 11 tháng năm 2015, giảm 145 người so với năm 2014.

* Giảm tử vong

Về mục tiêu chấm dứt kỳ thị phân biệt đối xử, bác sĩ Nguyễn Quang Thông cho biết: “Ngành y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động tiếp cận, chăm sóc người nhiễm và tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm trong cộng đồng. Ngành còn triển khai chương trình điều trị 2.0 để người nhiễm HIV nhận được dịch vụ chăm sóc và điều trị tại xã, phường. Với việc áp dụng mô hình này, TP Cần Thơ tiến thêm bước nữa trong việc phổ cập điều trị trong cộng đồng. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS khi về xã, phường điều trị. Đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS được điều trị, chăm sóc sức khỏe tại địa phương và Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ. Nếu năm 2013, thành phố có 43/46 trẻ có HIV đến tuổi đi học được đến trường, thì năm 2014, 54/54 trẻ có HIV được đi học”.

Hiện thành phố có 6 phòng khám ngoại trú điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Từ năm 2012, 5 phòng khám ngoại trú thực hiện cải thiện chất lượng điều trị. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm, điều trị ARV và Methadone; tìm kiếm và tiếp cận người nhiễm tại cộng đồng… Từ đó, đến cuối tháng 11-2015, có 2.133 bệnh nhân được điều trị ARV, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được điều trị chiếm gần 77%.

Theo bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, sau hơn hai năm thực hiện “TP 3 không”, thành phố cơ bản đạt các mục tiêu. Tuy nhiên, tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm HIV tăng. Tình hình nhiễm HIV nhóm này diễn biến phức tạp, đa số ẩn nên việc tiếp cận khó khăn. Thời gian tới, hoạt động hướng tới “TP 3 không” phải thay đổi phù hợp với tình hình tài trợ quốc tế giảm mạnh trong khi ngân sách thành phố chưa đáp ứng được. Các hoạt động tập trung cho can thiệp giảm hại gồm: tăng độ tiếp cận, độ bao phủ với nhóm hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, MSM, phụ nữ bán dâm và bạn tình người nhiễm HIV; đẩy mạnh chương trình BKT, BCS; mở thêm cơ sở cấp phát thuốc Methadone ở các quận, huyện, tạo điều kiện cho bệnh nhân duy trì điều trị, không bỏ dở. Bên cạnh đó, mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên sẽ tăng cường tìm kiếm người nhiễm đưa vào điều trị ARV, phấn đấu tỷ lệ điều trị ARV đạt 80% – 90% năm 2016. Ngoài ra, tiếp tục chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư. Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng để tuyên truyền, vận động người dân giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

H.Hoa (Báo Cần Thơ)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.