Cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại ĐBSCL

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện mới có trên 8.700 máy gặt đập liên hợp phục vụ thu hoạch gần 50% diện tích.

Cơ giới hóa nông nghiệp là điều cấp thiết. Ảnh minh họa.

Hiện khâu thu hoạch lúa tại ĐBSCL chủ yếu vẫn là thủ công. Nhiều năm qua, nhân công cắt lúa thiếu trầm trọng. Giá thuê người cắt lúa từ 1,5 triệu đồng/ ha trước đây, nay tăng lên 3 – 3,5 triệu đồng/ ha nhưng vẫn không đủ nhân công. Theo tính toán của các chuyên gia, ĐBSCL cần khoảng 20.000 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch khoảng 1,5 triệu ha mỗi vụ lúa. Nhưng thực tế số máy hiện còn ít so nhu cầu.

Năng lực sấy lúa cho vụ hè thu vẫn còn rất thấp, bình quân khoảng 25% sản lượng hè thu trong vùng được sấy, trong đó cao nhất là An Giang, Long An và Sóc Trăng, thấp nhất là Cà Mau, Bến Tre và Đồng Tháp. Khắc phục tình trạng này, bước đầu nhiều tỉnh đã quan tâm hỗ trợ nông dân mua máy gặt, dẫn đầu là Long An, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Tuy nhiên, việc mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và phục vụ sản xuất lúa nói riêng còn khó khăn. Giá máy còn cao (bình quân 200 triệu đồng/ chiếc), thời gian làm việc của máy trên đồng ngắn, phần lớn đồng ruộng có diện tích nhỏ, manh mún làm cho hiệu suất hoạt động của máy chưa cao.

Trước mắt, ĐBSCL cần phát triển máy gặt xếp dãy, máy tuốt lúa vì các loại máy này có ưu điểm gọn nhẹ, cơ động, có thể hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, thiếu phương tiện vận chuyển lại có thể thu hoạch tốt tại những cánh đồng có một phần diện tích lúa đổ ngã, bị ngập nước.

Các tỉnh cần tạo điều kiện tốt hơn để tư nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình thu hoạch lúa; hỗ trợ cho công nghiệp chế tạo máy gặt đập liên hợp và gặt tuốt liên hợp với nhiều hướng, trước là lắp ráp dạng CKD; ban hành các tiêu chuẩn về chất lượng máy thu hoạch lúa nhằm tránh tình trạng nông dân mua phải máy thu hoạch lúa có chất lượng không bảo đảm.

Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư trang bị máy thu hoạch lúa cho bà con nông dân. Các công ty, nhà chế tạo máy cần kết hợp với các ngân hàng đưa ra các kênh tiêu thụ thích hợp để bà con nông dân mua máy có thể trả trước một phần hoặc trả từng đợt.

Thế Đạt/TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.