Bất động sản ít chịu tác động bởi biến động tỷ giá

Trước việc điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam với USD của Ngân hàng Nhà nước, liệu thị trường bất động sản, đặc biệt là giá nhà có chịu tác động?

Trước mắt, biến động tỷ giá ít tác động đến giá nhà cũng như các hoạt động đầu tư BĐS.
Trước mắt, biến động tỷ giá ít tác động đến giá nhà cũng như các hoạt động đầu tư BĐS.

Giá nhà cơ bản ổn định

Trong các ngày 12 và 19/8, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá liên ngân hàng USD/VNĐ thêm 1% lên mức 21.890 đồng/USD và cùng lúc nâng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% (ngày 12/8) và lên +/- 3% (ngày 19/8). Sau các biến động này, VNĐ đã mất 5% giá trị kể từ đầu năm 2015, là mức giảm giá theo năm lớn nhất kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, theo Công ty nghiên cứu bất động sản (BĐS) CBRE, mấy năm trở lại đây, giá nhà ở chịu tác động chủ yếu bởi các yếu tố cung – cầu, hơn là chịu tác động của tỷ giá. Cụ thể, trong 5 năm qua, mỗi năm, đồng Việt Nam biến động từ -0,9% đến 5,8%, trong khi giá chung cư (tại Hà Nội) biến động từ -11% đến 13%.

Do đó, đại diện CBRE nhận định, giá nhà sẽ ít chịu tác động bởi yếu tố tỷ giá. “Thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam do nguồn cung trong nước chiếm phần lớn, nguồn cung từ các chủ đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 10% nên giá bán trung bình ít chịu tác động của biến động tiền tệ”, bà Dương Thùy Dung, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn CBRE nhận định.

Cụ thể, theo bà Dung, với các dự án của chủ đầu tư nước ngoài, lợi nhuận mục tiêu thường được tính bằng tiền USD, do đó có thể có áp lực phải tăng giá bán bằng tiền đồng (dù rủi ro biến động tỷ giá thường được tính tới khi lập kế hoạch tài chính cho dự án). Tuy nhiên, do tỷ lệ các dự án rất nhỏ so với tổng nguồn cung thị trường nên không ảnh hưởng nhiều đối với mặt bằng giá chung của thị trường.

Đối với các dự án đã và đang xây dựng, có chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu hoàn tất từ trước thì giá nhà hầu như không chịu tác động. Tuy nhiên, các dự án trong tương lai mới triển khai, phải nhập khẩu nguyên vật liệu thì sẽ chịu áp lực tăng giá bán do chi phí tính bằng USD.

Đại diện một công ty xây dựng tại TP Hồ Chí Minh cho hay, tỷ giá chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các nhà thầu vì tất cả các hợp đồng xây dựng đều giao dịch bằng tiền đồng. Tuy nhiên, ở khâu nhập khẩu thiết bị xây dựng vì phải mua bằng USD nên chi phí bị đội lên. Vị này cho biết thêm, hiện công ty chưa tính toán mức độ thiệt hại nhưng đối với những đơn hàng nhập khẩu từ châu Âu hoặc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Một mối lo khác của các chủ đầu tư BĐS là việc giảm giá VNĐ có thể làm lạm phát gia tăng, đồng thời lãi suất ngân hàng có thể tăng theo. Điều này sẽ khiến chủ đầu tư gặp khó do phải đi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Tuy nhiên, đây chỉ là mối lo lâu dài bởi hiện nay, lạm phát vẫn ở mức rất thấp.

BĐS sẽ hút nhà đầu tư hơn?

Theo các chuyên gia kinh tế, BĐS hiện được xem là kênh đầu tư có nhiều lợi thế so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm… trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Giá vàng hiện vẫn ở mức thấp, lãi suất tiết kiệm chưa có dấu hiệu tăng. Vì vậy, các nhà đầu tư trong nước nếu có tiền nhàn rỗi sẽ quan tâm tới BĐS nhiều hơn, đặc biệt là các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời ngay từ việc cho thuê.

Thị trường BĐS Việt Nam được coi là tương đối hấp dẫn do giá thấp hơn và tỷ lệ sinh lời cao hơn so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc). Nên đối với người nước ngoài, họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến các loại hình BĐS được mua và cách thức, quy trình, thủ tục để mua nhiều hơn là về giá cả. Việc giảm giá đồng Việt Nam không tác động nhiều đến quyết định đầu tư mua nhà của họ.

Giám đốc đầu tư Công ty Savills Việt Nam, ông Sử Ngọc Khương nhận định, chi phí BĐS có thể sẽ tăng lên nhưng ở góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, đây là cơ hội tốt để tham gia vào thị trường Việt Nam khi mà tỷ giá USD có lợi cho họ.

Bài và ảnh: Hoàng Dương

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.