Tìm đầu ra cho nông sản: Lúng túng thừa lượng, thiếu chất

Theo các số liệu thống kê vừa được công bố, tỷ trọng GDP của khu vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng vừa qua giảm xuống chỉ còn 16,73%, thay vì 18,12% như năm 2014. Trong đó, tỷ trọng của riêng ngành nông nghiệp giảm từ 13,63% xuống chỉ còn 12,84%. Từ nhiều năm nay, tình trạng hàng hóa nông sản luôn dư thừa, giá bán thấp, đã khiến đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.

Giá thấp

Có thể nói, thành tựu nổi bật nhất về kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới là phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước đảm bảo dự trữ quốc gia và xuất khẩu gạo nhiều năm liền đứng vào hàng thứ hai trên thế giới. Không chỉ thế, Việt Nam còn xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quan trọng khác như cà phê, điều, cao su, rau quả, thủy sản… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Việt Nam đạt ngôi vị thứ nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, khối lượng đáng kể về thủy sản, cao su, rau quả… nhưng giá bán thì rẻ, đứng từ thứ 7 – 10 thế giới. Hàm lượng chất xám trong sản phẩm quá thấp, chưa có thương hiệu. Điều đặc biệt là lợi tức của nông dân thấp so với các thành phần khác. Nông dân, nông thôn tiếp tục nghèo.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Huy Phong/SGGP

6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tiếp tục giảm mạnh. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 2,713 triệu tấn, trị giá FOB 1,132 tỷ USD, giảm 10% so với 3,015 triệu tấn cùng kỳ năm 2014, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Giá gạo xuất khẩu trung bình tính đến thời điểm hiện tại đạt 417 USD/tấn (FOB), giảm 3% so với 431 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu giảm cũng tác động tới giá bán lúa hè thu sớm của nông dân ở ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch. Theo đó, giá lúa tươi loại IR50404 bán tại ruộng hiện ở mức 4.100 – 4.150 đồng/kg, giảm khoảng 300-500 đồng/kg so với mức giá cao nhất từ đầu năm.

Từ đầu năm 2015 đến nay, hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL kêu than vì giá cả giảm mạnh. Ông Lê Hoàng Vũ, ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre) thở dài: “Giá tôm thẻ chân trắng năm nay quá thấp, tôm thẻ loại 100 con/kg thương lái thu mua chỉ còn 80.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá 240.000 đồng/kg, bình quân giảm từ 20.000- 40.000 đồng/kg so thời điểm đầu năm 2015. Điều nghịch lý là trong khi giá tôm nguyên liệu rớt giá thì thức ăn, thuốc thú y, điện… đồng loạt tăng làm cho chi phí giá thành tăng lên và người nuôi chịu thiệt”. Đối với cá tra, dù là sản phẩm thế mạnh của vùng ĐBSCL nhưng người nuôi càng lúc đuối sức bởi giá cả quá thấp. Ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá tra lâu năm ở phường Thuận An (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) thở dài: “Nhiều tháng qua giá cá tra dao động chỉ 20.000- 22.500 đồng/kg, đây là mức giá mà người nuôi lỗ trắng; riêng những hộ nuôi bị hao hụt nhiều thì thua lỗ sẽ nặng hơn. Thật tình, nông dân không thể hiểu nổi khi cá tra của Việt Nam được xem là “một mình một chợ” trên thị trường thế giới, vậy mà giá cứ rớt?”.

Bưởi da xanh bày bán trong siêu thị với giá cao.

Ách tắc đầu ra do đâu?

Vừa qua, trong phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã nêu những con số thật đáng suy ngẫm. Theo Bộ trưởng, những năm qua, xuất khẩu gạo cao nhất có khi đạt khẩu 7,7 triệu tấn/năm vậy mà năm nay quý 1 rất thấp. Có 3 điểm phải đối mặt mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chỉ ra, đó là Việt Nam trồng nhiều về số lượng nhưng kém về chất lượng, không đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, một số nước bắt đầu dùng chính sách bảo hộ nông nghiệp như Indonesia, trước nhập rất nhiều, nay hạn chế nhập khẩu, tự cung tự cấp trong nước. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, lúc tháp tùng Tổng Bí thư thăm Trung Quốc, ông nghe từ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nói Trung Quốc mấy năm nay sản xuất gạo được mùa, thừa nhu cầu. Trung Quốc trước đó vốn dĩ nhập gạo của Việt Nam vì quá rẻ (khoảng 2 triệu tấn/năm). Nên giờ Trung Quốc đưa ra quota nhập khẩu rất hạn chế vì đang phải xây kho để chứa gạo. Điều này khó khăn cho Việt Nam vì đây là thị trường lớn nhất. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh cũng nhiều lên, có 2 nước trước chỉ nhập không xuất mà giờ tham gia xuất khẩu là Ấn Độ và Pakistan. Thái Lan tích trữ lớn nên cũng bung bán ra với giá rẻ hơn để giải phóng kho nên Việt Nam bị cạnh tranh rất gay gắt. Vậy nếu mỗi năm cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo thì bán đi đâu?

Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp giúp nông dân làm giàu. Ảnh: CAO PHONG/SGGP Online

Câu chuyện của thanh long cũng không khác mấy. Diện tích quy hoạch thanh long 15.000ha nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng, đến hiện giờ đã lên 22.000ha. Ông Trương Văn Đời (ngụ ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trồng hơn 1.000 gốc thanh long ruột đỏ, nhưng 2 tháng nay giá thanh long cứ lên xuống thất thường. “Mỗi lần thương lái lại vườn là tôi lo lắng vì giá thanh long ruột đỏ lúc nào cũng dao động. Có lúc họ mua 60.000 đồng/kg, khi thì 40.000 đồng/kg, có lúc xuống thấp chỉ 15.000 đồng/kg. Hiện nay dao động 25.000 – 30.000 đồng/kg. Dự báo tới đây giá thanh long còn giảm nữa khi nhiều nơi đồng loạt vào thời điểm thu hoạch rộ các loại trái cây từ tháng 5 trở đi”. Khó khăn nhất là người dân trồng ổi. Hiện giá ổi bán tại vườn chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Mang 2 giỏ xách chứa ổi không hạt ra chợ Trà Ôn bán, bà Bùi Thị Năm (ngụ xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) buồn rầu: “Năm nay vườn ổi trúng mùa nhưng ngặt nỗi vào mùa, nhà ai cũng thu hoạch, bán 10.000 đồng/5kg mà chẳng ai thèm mua”. Trong khi đó, nhiều loại trái cây đã được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) với mục tiêu hướng tới thị trường xuất khẩu nhưng hiện nay chỉ bán được trong nước.

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm vẫn đang ì ạch; các quy chuẩn về cá tra (Nghị định 36) đến thời điểm này vẫn chưa đâu vào đâu vì các bên mải cãi nhau. Đến cuối tháng 6-2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,97 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2014. Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 6 năm 2015 đạt mức thấp kỷ trong 3 tháng qua. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, năm nay sản lượng tôm của các nước như Thái Lan, Ấn Độ… tăng mạnh, dẫn đến tính cạnh tranh cao và giá giảm, cá tra gặp khó do thị trường châu Âu giảm nhập khẩu, đồng EUR mất giá…

SGGP Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.