Tiếp sức cho dòng phim lịch sử

Chuyển giao công nghệ qua hợp tác quốc tế và thực hiện xã hội hóa được xem là giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, đặc biệt với dòng phim lịch sử còn non trẻ.

Một cảnh trong phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”

Phim lịch sử Việt Nam mới xuất hiện khoảng 30 năm nay nhưng dường như chỉ ở thời kỳ đầu mới nhiều tác phẩm gây được tiếng vang. Khán giả nhớ nhiều đến Đêm hội Long Trì, Phạm Công – Cúc Hoa, Thăng Long đệ nhất kiếm hay Tráng sĩ Bồ Đề…

Trong Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phim lịch sử được dịp nở rộ nhưng đa số được làm theo đơn đặt hàng, quy mô nhỏ lẻ và chỉ chiếu vào những dịp quốc lễ hay liên hoan phim trong nước. Dù đã có sự chuẩn bị và nỗ lực của các nhà sản xuất, nhưng hầu hết những dự án phim chào mừng Đại lễ đều chưa được như ý muốn, có phim phải chiếu chui, có phim lại mang số phận long đong dù đã hoàn thiện, được duyệt nhiều lần và cho phép công chiếu mà vẫn chưa đến được với khán giả vì nhiều lý do như bộ phim truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long.

Đánh giá những thất bại và khoảng trống của dòng phim lịch sử, GS. Đinh Xuân Dũng – Ủy viên thường trực Hội đồng lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, từng chia sẻ: “Chúng ta quá thiếu, từ cơ sở vật chất tới đội ngũ những người làm phim lịch sử”.

Chỉ nói riêng ở khâu kịch bản, phim lịch sử đã đòi hỏi nhà biên kịch không chỉ về kỹ năng mà cả nhãn quan của nhà sử học, nhà chính trị – tư tưởng, nhà giáo dục… Bên cạnh đó, đa phần các đạo diễn của ta còn thiếu kinh nghiệm với dòng phim lịch sử. Đội ngũ diễn viên cũng rất mỏng và hầu như không có kinh nghiệm diễn xuất. Trong khi đó, phim muốn hấp dẫn thì nội dung hay thôi chưa đủ, các diễn biến tình cảm trong phim và trình độ diễn xuất của diễn viên là hai yếu tố đóng vai trò rất quan trọng.

Cùng với những tồn tại ấy, chúng ta còn thiếu cả một ê kíp-một bộ máy sản xuất phim hoàn thiện và chuyên nghiệp với sự phân vai rõ ràng trong từng vị trí. Những khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất cũng là thách thức lớn với các nhà làm phim lịch sử Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong Hội thảo khoa học toàn quốc sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử, ngày 15/12/2012, cũng nhấn mạnh vai trò của người sáng tạo văn học nghệ thuật: sáng tác của họ phải thể hiện được tinh thần của lịch sử thông qua hoàn cảnh, nhân vật, sự kiện lịch sử…, phải viết nên những bài học lịch sử có giá trị không chỉ của quá khứ và hiện tại và phải nâng lịch sử lên tầm khái quát.

Trước những khó khăn do nguồn sử liệu nước ta còn thiếu, thậm chí nhiều sự kiện lịch sử được ghi chép lại chưa chính xác, Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm tới quyền tự do sáng tạo của người làm văn học nghệ thuật: “Không chỉ là người có tài năng sáng tạo với kỹ thuật tạo tình huống, tăng kịch tính nhằm hấp dẫn người đọc, người xem mà họ còn được tự do sáng tạo về thời gian, không gian, sự kiện, cũng như việc phản ánh tư tưởng tình của nhân vật… mà lịch sử không ghi chép lại được để lấp đầy những khoảng trống ấy”.

Hướng đi tắt đón đầu

Để cải thiện nền điện ảnh nước nhà, cần có nhiều giải pháp đồng bộ mà trước hết phải nhanh chóng đào tạo ra đội ngũ những người làm phim lịch sử. Nhà biên kịch Lê Phương cho rằng: “Chúng ta có thể thiếu các di sản phi vật thể, thiếu trường quay nhưng thiếu nhất vẫn là người tài. Đó là những nhà biên kịch giỏi, đạo diễn giỏi, diễn viên chuyên nghiệp, ê kíp và bộ máy làm phim hoàn thiện để thay đổi diện mạo điện ảnh nước nhà”.

“Trong việc làm phim lịch sử thì Trung Quốc là một bậc thầy, ta nên học, họ cũng có hệ thống dịch vụ rất chuyên nghiệp, nếu biết cách sẽ là một đội ngũ giúp việc rất lành nghề. Vấn đề là bản lĩnh của người làm phim Việt Nam chứ không phải làm làm phim trong hay ngoài nước”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Thực tế là một số bộ phim lịch sử của Hàn Quốc đã được thực hiện tại trường quay của Trung Quốc trước khi xây dựng trường quay riêng nên việc chúng ta hợp tác với quốc gia có nền điện ảnh phát triển thì có thể coi là hướng đi tắt đón đầu bằng con đường chuyển giao công nghệ.

Không những thế, việc quốc tế hóa điện ảnh còn nhanh chóng tạo ra những đột phá trong việc thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài.

Giải pháp huy động nguồn vốn

Nhiều ý kiến cho rằng điện ảnh Việt Nam nghèo nàn và không có phim hay vì thiếu kinh phí, thiếu trường quay. Trong điều kiện hiện tại, khó có thể ra lò các bộ phim phim lịch sử đặc sắc. Có lẽ, xã hội hóa cũng sẽ là hướng đi tích cực để giúp nhà nước tháo gỡ những khó khăn cho ngành điện ảnh Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, cơ chế xã hội hóa hoàn toàn có thể áp dụng nhằm thu hút các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ mà trước mắt là thúc đẩy việc xây dựng trường quay, đặc biệt là phim trường lịch sử đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn và yêu cầu kỹ thuật công phu.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thấm thía cho số phận của một tác phẩm điện ảnh là sự phụ thuộc vào yếu tố công luận mà ở đây là vai trò của báo chí, truyền thông. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã từng chia sẻ: công luận, báo chí hãy phân tích sự thành công, thất bại về mặt chuyên môn của tác phẩm chứ đừng chỉ nhằm vào vấn đề tài chính của dự án đó, hay thời điểm phát sóng, phát hành chiếu rạp, số vé bán được là bao nhiêu. Bởi lẽ, khát vọng tạo nên một dòng phim lịch sử cho điện ảnh Việt Nam của không nhiều nhà đầu tư sẽ có thể bị “chôn vùi” chỉ vì sự ồn ào mang hơi hướng tiêu cực và thiếu khách quan của một bộ phận công chúng và báo giới thời gian vừa qua.

Hi vọng rằng, cùng với những ý kiến đóng góp mà các hội thảo về phim lịch sử được tổ chức thời gian qua, cùng với cơ chế mới trong tài trợ, đặt hàng sáng tác; chính sách khuyến khích sáng tác của Chính phủ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Việt Nam sẽ sớm có hướng đi đúng đắn cho sự phát triển một dòng phim đầy triển vọng của điện ảnh nước nhà./.

Chinhphu

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.