Thi tốt nghiệp tự chọn: Học sinh hào hứng, lãnh đạo sở lo

Thông tin kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 sẽ chỉ thi 4 môn, trong đó hai môn học sinh tự chọn, đã làm cho học sinh, giáo viên và phụ huynh rất hào hứng, nhưng lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo lại tỏ ra khá lo lắng vì khâu tổ chức thi sẽ phức tạp hơn.


Ảnh minh họa

Một kỳ thi nhẹ nhàng hơn

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, thông tin này đã lập tức trở thành chủ đề thảo luận từ gia đình đến lớp học với sự phấn khởi thấy rõ.

Em Châu Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Pleiku (Gia Lai) cười tươi nói: “Ôn thi tốt nghiệp 6 môn là quá mệt nên chúng em rất vui trước tin mới này. Với việc ôn thi 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn, lịch học sẽ không còn phải ken dày đặc như trước nữa.”

Thầy Nguyễn Quốc Hùng, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) cũng vui vẻ cho biết: “Từ khi Bộ ra dự thảo thì cả thầy và trò trong trường đều mong Bộ sớm có quyết định vì thi 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn là rất hợp lý và sẽ làm cho kỳ thi tốt nghiệp vốn căng thẳng nặng nề trở nên nhẹ nhàng hơn, có lợi cho người học. Đây thực sự là tin vui không chỉ với hàng nghìn học sinh mà còn với cả hơn 120 cán bộ giáo viên trong trường.”

Lý giải thêm, thầy Hùng cho rằng các em chắc chắn sẽ chọn môn thi theo khối thi đại học. Học sinh thi khối A sẽ chọn môn tự chọn là lý và hóa, học sinh khối A1 chọn ngoại ngữ và lý, học sinh khối B chọn hóa và sinh… Vừa ôn thi tốt nghiệp đồng thời cũng là ôn thi đại học, điểm thi lại chỉ chiếm 50% trọng số xét công nhận tốt nghiệp, như vậy học trò sẽ đỡ áp lực.

“Việc thi tốt nghiệp 4 môn thực chất là quay lại cách thi cử trước đây. Thời chúng tôi cũng thi 4 môn, nhưng bây giờ có bước phát triển hơn là ngoài hai môn bắt buộc toán và văn, các em được tự chọn hai môn theo năng lực sở trường của mình. Điều này phù hợp với việc khuyến khích các em định hướng nghề nghiệp sớm,” thầy Hùng chia sẻ.

Niềm vui này còn lan sang cả các bậc phụ huynh. Bác Ngô Hồng Vân (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, con bác năm nay mới học lớp 11 nhưng thông tin của Bộ vẫn làm bác thấy an lòng. “Tôi đã từng thắt ruột nhìn con gái lớn ôn thi miệt mài tối ngày khi cháu chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12. Cháu học yếu nhất môn lý và chỉ sợ thi dưới điểm liệt sẽ bị trượt tốt nghiệp, không được dự thi đại học, nên lo lắng tới mức buổi tối ngủ mơ vẫn còn đọc lý thuyết môn này. Vì thế, việc giảm số môn thi và thay đổi cách xét công nhận tốt nghiệp của Bộ là rất tốt cho các cháu,” bác Vân nói.

Lãnh đạo sở: Mừng nhưng vẫn lo

Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn như Bộ đề ra, nhưng lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo tỏ ra khá lo lắng về khâu tổ chức.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn chia sẻ: “Cách thi như vậy sẽ giảm tải cho học sinh, nhưng việc tổ chức thi sẽ rất phức tạp vì tất cả có đến 8 môn thi.”

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Phạm Thị Hằng cũng tỏ rõ sự băn khoăn. “Các đồng chí không thể lường hết được kỳ thi tốt nghiệp ở dưới cơ sở chúng tôi căng thẳng vô cùng, nhất là đối với Thanh Hóa, nơi có số lượng thí sinh lớn, lên đến khoảng 50.000 em mỗi năm. Trước đây 6 môn, giờ học sinh tự chọn nên phải thi 8 môn, mỗi buổi thi tới hai ca. Hội đồng thi có rất nhiều môn như vậy rất dễ dẫn đến việc nhầm lẫn trong các khâu như sao in đề, bóc, phát đề. Chỉ cần một sự nhầm lẫn của một tỉnh sẽ ảnh hưởng đến cả nước, hậu quả rất lớn,” bà Hằng phân trần.

Cùng chung tâm sự này, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh Trần Trung Dũng cho biết: “Môn thi tổ thứ hai trong một buổi sáng cũng chính là bắt đầu một buổi thi mới. Sẽ có thí sinh thi xong môn đầu nhưng không thi môn thứ 2 và đi về, có thí sinh không thi môn thứ nhất đến và có em ở lại thi cả hai môn. Trường thi sẽ có sự xáo trộn lớn. Vì thế, Bộ cần có chỉ đạo cụ thể về quy trình thực hiện và nên có chỉ đạo sớm,” ông Dũng kiến nghị.

Là người hàng chục năm kinh nghiệm trong việc tổ chức thi, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định trong việc tổ chức thi thì các lãnh đạo Bộ và sở sẽ là những người vất vả nhất. Bộ sẽ phải ra đến 8 đề thi khác nhau. Các sở tiến hành sao in rất dễ nhầm lẫn nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc. Còn các chủ tịch hội đồng thi cũng dễ bóc nhầm đề.

“Tuy sẽ nhiều phức tạp nhưng vẫn nên thực hiện và thực hiện vài lần sẽ vào nề nếp, vì ở đây, học sinh là người được nhiều nhất và tất cả ngành giáo dục là để phục vụ quyền lợi người học,” ông Hùng nói./.

Phạm Mai

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.