Tăng nặng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông

Nghị định số 107/2014/NĐ-CP (ngày 17/11/2014) của Chính phủ bổ sung Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT (ngày 7/11/2014) quy định thêm nhiều mức phạt hành vi vi phạm luật giao thông theo hình thức tăng nặng. Nội dung các văn bản này được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) họp báo ngày 1/12 tại Hà Nội.

Nghị định 107 quy định mức xử phạt rất cao đối với lái xe, các cá nhân và tổ chức vi phạm quy định về bốc xếp, vận chuyển hàng quá tải trọng cho phép, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Xe quá tải sẽ bị xử phạt tăng nặng

Cụ thể, theo Nghị định 171 chỉ có một khung phạt từ 5 – 7 triệu đồng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông; xử phạt 2 – 4 triệu đồng đối với cá nhân và 5 – 7 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện.

Còn theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP vừa ban hành, hành vi này được tách ra thành hai khung phạt. Cụ thể, ở khung phạt đầu tiên, mức phạt được giữ nguyên là từ 5 – 7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải từ trên 60 – 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xitéc chở chất lỏng (kể cả rơmoóc và sơmi rơmoóc). Ở khung phạt thứ hai, đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7 – 8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng (từ 5-7 triệu đồng).

Tương tự, hành vi điều khiển xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường cũng được Nghị định 107/2014/NĐ-CP tách thành hai khung phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 7 – 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

Cùng với đó, mức xử phạt đối với cá nhân và doanh nghiệp là chủ phương tiện cũng tăng. Cụ thể: phạt 12 – 14 triệu đồng đối với cá nhân và 24 – 28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% đến 60% quy định; phạt 14-16 triệu đồng đối với cá nhân và 28 – 32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% đến 100% và từ 16 – 18 triệu đồng đối với cá nhân, 32 – 36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100%…

Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô) và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 3 tháng.

Ngoài ra, theo Thông tư số 63, từ ngày 1/7/2015, xe giường nằm hai tầng sẽ không được hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi.

Tiến Hiếu/baotintuc

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.