Tạm biệt “vàng bỏ ống”!

Giá vàng đã tăng “phi mã” trong đúng một thập kỷ (năm 2011 so với năm 2001, giá vàng đã cao gấp trên 8,6 lần, bình quân tăng 24%/năm) tạo thành một hiện tượng khác thường trong cơ chế thị trường là “vàng bỏ ống cũng có lãi”.

Hiện tượng này kéo dài, diễn ra trên diện rộng, với nhiều đối tượng tham gia, tạo thành tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế (với lượng vàng ước tính lên đến 200-300 tấn, tương đương với khoảng 10-15 tỷ USD, bằng khoảng 10-15% GDP và tương đương với 20-30% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội). Đối với Nhà nước thì đây là một nguồn vốn không nhỏ đang bị “chôn” vào vàng , trong khi đất nước còn phải vay nước ngoài để đầu tư (thông qua phát hành trái phiếu, vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA…).

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Đối với nhiều nhà đầu tư, vàng là một kênh đầu tư có hiệu quả nhất trong thập kỷ, là nơi “trú ẩn” của dòng vốn để bảo toàn giá trị khi lạm phát cao. Đối với các nhà đầu cơ, nhất là các nhóm lợi ích, thì đây là cơ hội để họ “tạo sóng”, vừa làm bất ổn thị trường, vừa kiếm lợi lớn.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho giá vàng ở trong nước tăng cao là do giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, đã có lúc vượt qua mốc trên 1.900 USD/ounce. Bên cạnh nguyên nhân từ bên ngoài, còn nguyên nhân quan trọng ở trong nước, trong đó ngoài nguyên nhân đã đề cập ở trên, còn có một nguyên nhân quan trọng do các ngân hàng thương mại đã mua vào để bảo đảm thời hạn tất toán vàng theo quy định, thể hiện ở việc mua vàng qua đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước từ 8 tháng nay, mặc dù giá vàng đấu thầu ngang với giá thị trường, còn giá thị trường thì có xu hướng xuống – hiện đã thấp hơn đỉnh điểm tới 14 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng ở trong nước năm 2012 đã tăng thấp (tăng 0,4%), 10 tháng 2013 Ngân hàng Nhà nước đã cung một lượng lớn vàng ra thị trường thông qua đấu thầu.

Giá vàng ở trong nước sẽ có xu hướng giảm do tác động của giá vàng thế giới và do tác động của các yếu tố trong nước. Giá vàng thế giới thời gian qua đã có lúc xuống dưới 1.300 USD/ounce. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp thấp xuống, sớm muộn Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng sẽ cắt giảm gói kích thích kinh tế 85 tỷ USD/tháng…

Các quỹ đầu tư vàng, các ngân hàng Trung ương nhiều nước sẽ giảm mức nắm giữ; có nước tăng thuế suất nhập khẩu vàng để hạn chế việc nhập khẩu vàng. Khi đó giá USD sẽ tăng lên và giá vàng tính bằng USD sẽ giảm xuống, được dự đoán sẽ xuống dưới mức 1.200USD/ounce, thậm chí có dự đoán giá vàng sẽ còn xuống mức 1.050 USD/ounce vào cuối năm 2014. Giá vàng thế giới xuống sẽ kéo giá vàng trong nước xuống theo.

Giá vàng ở trong nước, ngoài việc giảm giá theo thế giới, nếu tỷ giá VND/USD không tăng hoặc tăng thấp, nếu thị trường trong nước và thế giới có sự liên thông trong điều kiện Việt Nam thực hiện cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập ngày một sâu, rộng – theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, thế giới phẳng… Nói cách khác, giá vàng trong nước cũng sẽ giảm xuống ở mức tương đương với giá thế giới.

Tuy nhiên, dù có liên thông thì vẫn có một mối quan hệ đứng giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, đó là tỷ giá VND/USD. Nếu tỷ giá tăng thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ giảm xuống. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường và có sự tham gia của các nhà đầu cơ lướt sóng, thì xen kẽ những ngày giảm sẽ có những phiên tăng; chỉ có điều sẽ diễn biến theo xu hướng đỉnh sau sẽ thấp hơn đỉnh trước, đáy sau sẽ thấp hơn đáy trước.

VGP News

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.