Sạt lở bờ sông, đê biển ở ĐBSCL khiến người dân sống trong sợ hãi!

Những vụ sạt lở liên tiếp xảy ra tại các địa phương trong tỉnh kể từ đầu năm đến nay làm cho người dân lo lắng.

Sạt lở ở An Giang, 1 nhà máy nước đá đổ ào xuống sông.

Những ngày này, nước lũ bắt đầu đổ về các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Cùng lúc đó, tình trạng sạt lở cũng gia tăng mạnh ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Những trận mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy và những vụ sạt lở liên tiếp xảy ra không những làm thiệt hại nhiều tài sản mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nơi đây.

Tỉnh Đồng Tháp đã phát đi thông báo công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền đoạn chảy qua khu vực phường 11, Thành phố Cao Lãnh. Tại khu vực phường 11 xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân.

Đáng chú ý là điểm sạt lở này rất gần với một kho chứa 5 triệu lít xăng dầu. Tỉnh Đồng Tháp cũng đã nhanh chóng phê duyệt xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở khu vực với tổng mức vốn hơn 9 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Còn ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, từ khi công trình bờ kè chống xoáy mòn, sạt lở ven sông Tiền cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, tình hình sạt lở ở khu vực này nhìn chung được ổn định.

Tuy nhiên, những ngày gần đây khi nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, khu vực bờ sông Tiền xuất hiện nhiều vết nứt và bất ngờ sạt lở hàng ngàn mét vuông đất của người dân. Vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra vào chiều ngày 12/7 vừa qua, dài khoảng 50 mét, ăn sâu vào khoảng 50 mét.

Ông Võ Văn Cung, người dân xã An Hiệp cho biết, đất đai tại khu vực này xói lở triền miên, dòng xoáy ở phía Bắc đưa xuống khiến quá trình lở đất diễn ra rất mạnh. Bà con sống ven sông Tiền luôn trong tâm trạng lo lắng và năm nào cũng phải di dời.

Không chỉ ở tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp mà ở những địa phương cuối nguồn tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Tại Hậu Giang, những vụ sạt lở liên tiếp xảy ra tại các địa phương trong tỉnh kể từ đầu năm đến nay làm cho người dân lo lắng.

Điển hình vào sáng 19/5 vừa qua, tại doi Tân Thới Hòa, thuộc khu vực 3, phường Lái Hiếu, Thị xã Ngã Bảy đã xảy ra vụ sạt lở đoạn bờ kè dài gần 10 mét, sâu hơn 3 mét kéo căn nhà của ông Bùi Thanh Nhàn sụp xuống sông và làm cho nhiều hộ lân cận bị lún, nứt.

Hơn nửa tháng sau, vào sáng ngày 7/6, tại kinh xáng Nàng Mau, ấp Thạnh lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp lại một vụ sạt lở nữa xảy ra làm cho 7 căn nhà của người dân đang sinh sống bị sụp xuống sông một phần, buộc phải di dời khẩn cấp. Điều đáng lo ngại là nhiều vụ sạt lở xảy ra vào ban đêm hoặc rạng sáng và diễn ra rất nhanh khiến cho người dân khó lòng chống đỡ.

Anh Lê Thanh Sang ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang – có nhà bị sụp xuống sông kể: “Khi đang ở nhà hàng xóm thấy đất lở, nhà nứt và sụp xuống sông, khi về tới nhà mình lại thấy tiếng nổ lụp bụp rồi tiếng tường nhà bị xé. Đất lở kéo theo nhà trôi luôn ra sông mất tích”.

Tình trạng sạt lở bờ sông cũng xuất hiện ngày càng nhiều, đe dọa đến các công trình giao thông, thủy lợi và làm hư hại nhiều nhà cửa, đất đai, hoa màu của người dân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Tính từ đầu nay đến nay, trên địa bàn huyện đã có không dưới 10 điểm sạt lở lớn, nhỏ, ước thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Ánh, một trong số hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ kè bê tông gia đình dài hơn 30 mét và sâu vào đất liền gần 3 mét dọc theo bờ sông số 1, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách cho biết, nước đã khiến bờ kè bị sạt lở gần hết, mất cả đường đi và đang tiến đến khu vực mấy chục hộ gia đình sinh sống. Hiện tại người dân cũng không có kinh phí để đắp lại, chỉ cấm tre phía ngoài rồi thả lục bình để giảm bớt sự sạt lở.

Có thể nói, tình trạng sạt lở ở các bờ sông trong khu vực ĐBSCL đã khiến nhiều hộ dân trong khu vực gặp khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng này, ổn định dân sinh, đảm bảo sản xuất là vấn đề mà các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương trong vùng quan tâm.

Tuy nhiên, tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra ở khu vực bờ sông, thời gian gần đây, nhiều tuyến đê biển trong vùng cũng đã và đang đối mặt với tình trạng sạt lở đê biển./.

Thanh Tùng – Tấn Phong – Thạch Hồng/VOV – ĐBSCL

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.