Sẵn sàng cho Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer tại Sóc Trăng

Ngày 15-11-2013, tại Sóc Trăng sẽ chính thức khai mạc Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long – Sóc Trăng lần thứ I năm 2013. Để tham gia một sự kiện lớn và đầy ý nghĩa này, đi khắp phum sóc có đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng, đâu đâu cũng nghe những tiếng còi tập luyện của các đội ghe Ngo. Đối với các vận động viên (VĐV), được tham dự đua ghe Ngo tại Festival này là niềm tự hào, danh dự lớn.

Đội ghe chùa Tứk Pray tập luyện đầy quyết tâm.

Năm nay, để chuẩn bị các đội ghe tham dự Festival, huyện Long Phú đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ cho các chùa đóng ghe mới. Hiện 4 chùa của huyện đều có ghe Ngo, với 5 đội tham dự Festival (có một đội ghe nữ). Mỗi ngày, cứ đúng 3 giờ chiều, chùa Tứk Pray (Nước Mặn), thị trấn Long Phú tấp nập người đến xem, cổ vũ cho VĐV tập luyện. Theo Đại đức Thạch Thanh Hoàng, Phó trụ trì chùa, để tham gia Festival, năm nay, các VĐV đã tập trung rất đông và tập sớm hơn. Năm 2012, đội ghe Ngo chùa Tứk Pray đã giành chức vô địch tại giải đua ghe Ngo của tỉnh, tạo lòng tin, tinh thần tốt cho các VĐV. Anh Liêu Huyền, VĐV đội ghe ngo chùa Tứk Pray, cho biết: “Năm rồi, chúng tôi chiến thắng nên năm nay, ai cũng quyết tâm tập luyện cho thật tốt. Bởi đua ghe Ngo đã nâng lên thành Festival nên chắc chắn sẽ quy tụ nhiều đội ghe mạnh”. Theo đánh giá của anh Kim Sang, Huấn luyện viên (HLV) đội ghe ngo chùa Tứk Pray, các VĐV rất quyết tâm tập luyện. Tuy chùa chỉ hỗ trợ 10.000 đồng tiền xăng/buổi và đãi cơm, nhưng anh em luôn có mặt đầy đủ, thậm chí còn nhiều hơn năm rồi. Mới bắt đầu tập được một tuần, nhưng tay bơi rất đều và tốc độ rất nhanh, đội ghe Ngo chùa Tứk Pray hy vọng có thể bảo vệ chức vô địch tại Festival này.

Rời khỏi chùa Tứk Pray, đến xem đội ghe nữ chùa Bưng Cro Cháp Chắc, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, mới thấy được tin thần yêu thể thao truyền thống của chị em phụ nữ Khmer. Ghe Ngo chùa Bưng Cro Cháp Chắc được huyện hỗ trợ đóng mới và các VĐV đều là những tay bơi mới. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng các chị đã cố gắng sắp sếp thời gian để tập trung đúng giờ. Chị Kim Thị Na, HLV của đội ghe nữ, cho biết: “Trước đây, chúng tôi là VĐV cho đội ghe nữ nổi tiếng của tỉnh là chùa Tứk Pray. Năm nay, chùa có ghe mới nên tôi tập trung thêm một số chị em. Đội chỉ có khoảng 20% chị em đã có kinh nghiệm từng tham gia bơi cho ghe nữ chùa Tứk Pray. Tuy mới, nhưng ai cũng cố gắng tập luyện, hạ quyết tâm”.

Cũng như các đội ghe ngo khác trong tỉnh Sóc Trăng, với sự chuẩn bị tập luyện chu đáo, đội ghe ngo chùa Ta Kúch Chắs, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, đặt niềm tin hy vọng chiến thắng rất lớn. Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, đội được đầu tư chiếc ghe ngo mới, trị giá 210 triệu đồng. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, số tiền còn lại do chính quyền địa phương cùng với nhà chùa vận động. Ông Trương Hán Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, nói: “Hy vọng cộng với sự quyết tâm của cả đội sẽ mang lại danh dự cho nhà chùa và địa phương tại Festival”.

Sau gần 30 năm vắng mặt trên đường đua, năm nay, đội ghe chùa Ompuyear, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cũng quay trở lại tham dự Festival với đầy quyết tâm. Dù mấy chục năm qua, chùa Ompuyear không có ghe tham dự hội đua, nhưng một số tay chèo vẫn hăng hái và tham gia thi đấu cho các đội ghe khác. Vì thế, khi có ghe mới thì bà con ai cũng vui mừng và VĐV rất tích cực tham gia. Anh Thạch Khol, HLV đội ghe Ngo, hồ hởi: “Năm nay chúng tôi có thể khoác áo của đội nhà (chùa Ompuyear) tham gia đua trong Festival là rất hạnh phúc”.

Hầu hết các chùa có đội ghe ngo trong tỉnh Sóc Trăng đều rộn rã không khí luyện tập. Điều này cho thấy Festival đua ghe Ngo đang là một sự kiện thể thao, văn hóa – xã hội – du lịch lớn, có tác động tích cực, thúc đẩy đời sống tinh thần của bà con Khmer Sóc Trăng, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, độc đáo của đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL.

Cần Thơ Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.