Quốc hội thảo luận dự luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Bước sáng tuần làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, sáng  4.11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). 25 ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời phân tích thêm tình hình lãng phí ở một số lĩnh vực và trên cơ sở đó đề nghị rà soát, bổ sung các quy định trong dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi, khắc phục được tình trạng lãng phí, thực hành tiết kiệm để xây dựng và phát triển đất nước.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của một số Bộ, Ngành liên quan, trách nhiệm của Quốc hội, trách nhiệm chủ động phối hợp từ khâu ban hành chủ trương, quyết định đến khâu tổ chức thực hiện, tránh gây ra lãng phí. Bổ sung trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, của người đứng đầu cơ quan cấp trên trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Một só ý kiến cho rằng thời gian qua nhiều dự án, đề án, hồ sơ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng không khả thi, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Đối với những người có thẩm quyền để xảy ra lãng phí thì phải chịu bồi thường hoặc bị cách chức. Để Luật Thực hành tiết kiệm đi vào cuộc sống, đề nghị dự thảo Luật xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra lãng phí bằng chế tài cụ thể, có thể xử lý hình sự để tạo sự răn đe trong xã hội.

Về lãng phí trong hội họp, đại biểu cho rằng: Thời gian qua, ở một số Bộ, ngành, địa phương có những hội nghị, hội thảo không hợp với nhu cầu của đại biểu, nhưng vẫn rất tốn kém cho đại biểu đi lại. Nếu họp hành liên miên mà không hiệu quả, từ thực tế đó đại biểu đề nghị cần điều chỉnh Luật theo hướng chống lãng phí ngay từ phía cơ quan Nhà nước, chi đầu tư công. Chính phủ, Quốc hội phải làm gương trong thực hành chống lãng phí để nhân dân noi theo.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung giải thích từ ngữ, sử dụng từ ngữ chính xác, đầy đủ, rõ ràng. Tại một số điều, khoản cụ thể cần rà soát chỉnh lý nội dung, bố cục chặt chẽ. Các ý kiến thảo luận mong rằng Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sau khi ban hành có hiệu lực sẽ có tính khả thi cao và tạo sự đồng thuận trong xã hội, thay đổi nhận thức và hành động./.

Thanh Luân

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.