Phương án tuyển sinh Đại học-Cao đẳng 2016: Nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh

Phương án thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học – cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2016 Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành có nhiều điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh lẫn các trường ĐH-CĐ. Những điểm mới đáng chú ý đó là thí sinh không được thay đổi nguyện vọng khi xét tuyển, rút ngắn thời gian xét tuyển, tăng cường công tác coi thi và chấm thi…

Bộ GD-ĐT yêu cầu, trong quá trình triển khai cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thi và tuyển sinh; tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ về thi và tuyển sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thi và tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế. Như vậy, bước đầu có thể thấy phương án thi năm nay đã tiếp thu chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của dư luận để khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 khiến xã hội bức xúc như nghẽn mạng khi công bố điểm thi; lộn xộn trong việc rút hồ sơ xét tuyển; thí sinh phải đi sang tỉnh khác để thi…

MuaThi

Phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh (Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Thi THPT quốc gia ổn định như năm 2015

Theo phương án Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ tổ chức thi trong 4 ngày, từ ngày 1 đến ngày 4-7. Về môn thi, Bộ GD-ĐT giữ ổn định 8 môn thi như năm 2015 gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn thi Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận và thời gian làm bài mỗi môn 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài mỗi môn 90 phút, môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90 phút.

Đối với thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đăng ký dự thi 4 môn thi (4 môn thi tối thiểu), trong đó 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn thi do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Với những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Những thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ thì đăng ký dự thi 4 môn thi tối thiểu và đăng ký dự thi thêm các môn khác để xét tuyển ĐH-CĐ. Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước, chỉ đăng ký dự thi các môn thi để xét tuyển ĐH – CĐ. Thí sinh đang học tại cơ sở giáo dục nào thì đăng ký dự thi tại cơ sở giáo dục đó. Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại địa điểm do các sở GD-ĐT quy định.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ có 2 loại cụm thi. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cụm thi ĐH (do trường ĐH chủ trì và phối hợp với sở GD-ĐT) dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ. Cụm thi tốt nghiệp (do sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH) dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.

Về đề thi, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng về cơ bản vẫn như năm 2015: Đề thi được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và câu hỏi vận dụng, đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ. Công tác coi thi, chấm thi được tổ chức như năm 2015, nhưng tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GD-ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH.

Xét tuyển Đại học-Cao đẳng: nhiều điều chỉnh

Lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các trường, phương án xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 mà Bộ GD-ĐT công bố có nhiều điều chỉnh theo hướng tăng quyền tự chủ cho các trường và tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.

Trong năm 2016, thí sinh sử dụng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi của mình để đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ trong các đợt xét tuyển, đồng thời thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện và trực tuyến (online). Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển. Các trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) do Bộ GD-ĐT quy định để xác định và công bố công khai ngưỡng đăng ký xét tuyển (điểm nhận hồ sơ xét tuyển) vào ngành/nhóm ngành của trường.

Thời gian xét tuyển ĐH-CĐ năm 2016 có nhiều thay đổi so với năm 2015. Đợt xét tuyển đầu tiên, thời gian đăng ký xét tuyển là 12 ngày. Mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Các đợt xét tuyển kế tiếp, thời gian đăng ký xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày, mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển mỗi đợt vào tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.

Bộ GD-ĐT yêu cầu, trong quá trình triển khai cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thi và tuyển sinh; tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ về thi và tuyển sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thi và tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế. Như vậy, bước đầu có thể thấy phương án thi năm nay đã tiếp thu chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của dư luận để khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015.

Nguồn: Thanh Hùng (Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Link:

http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2016/2/411576/

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.