Phát triển kinh tế ở vùng Bảy Núi

Vùng Bảy Núi (bao gồm huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có địa hình bán sơn địa, kết cấu đất pha cát bao quanh chân núi. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong chọn lựa cây trồng, vật nuôi hợp với địa hình, thổ nhưỡng đặc thù này, nhưng cư dân vùng Bảy Núi đã tìm được hướng đi phù hợp để tăng thu nhập.

Vùng Bảy Núi 6 tháng nắng, 6 tháng mưa, nhưng chỉ có mùa mưa là bà con ở đây làm ăn hiệu quả nhất. Mùa mưa này, anh Lê Quang Sắt, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn bội thu mùa xoài. Anh Sắt nói: “Những cơn mưa đã phủ lên vườn cây ăn trái một màu xanh mướt mắt. Vườn xoài nhà tôi xanh um! Mùa nắng, xoài cho năng suất thấp, vào mùa mưa cho trái nhiều gấp rưỡi”. Trước đây, vườn của anh Sắt chủ yếu trồng xoài thanh ca và đào lộn hột, nhưng giá cả đầu ra bấp bênh. Anh xem báo, đài thấy nhà vườn miệt Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang trồng xoài cát Hòa Lộc làm giàu, nên mạnh dạn cưa bỏ cây xoài thanh ca, đào lộn hột, mua giống xoài cát Hòa Lộc về trồng. Không ngờ giống xoài này chịu khí hậu khắc nghiệt của vùng đất núi. Sau 3 năm chăm sóc, vườn xoài cho trái. Những năm đầu chưa ứng dụng kỹ thuật bao trái nên bị ruồi đục trái, bị thất thu. Rút kinh nghiệm, anh mua bao lưới về bọc trái. Giờ nguồn thu nhập chính của gia đình nhờ cây xoài. Với 10 công xoài, sau khi trừ đi tất cả chi phí, mỗi năm anh Sắt lời trên 60 triệu đồng.

Thu hoạch xoài ở Bảy Núi.

Ở Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, gia đình ông Hồ Văn Trung chuyên trồng xen canh cây trái các loại. Tuy nhiên, mùa mưa chỉ cây dâu tàu là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Trung cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, cây dâu tàu được trồng rộng rãi trên núi Cấm. Hiện tại, ông trồng khoảng 3ha dâu tàu xen canh với vườn tạp. Mùa này bình quân mỗi ngày ông Trung thu khoảng 200.000 đồng tiền bán dâu. Cũng nhờ canh tác dâu tàu mà người dân ở Vồ Đầu có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả. Không chỉ phát triển cây ăn trái, nhiều nhà vườn ở núi Dài tranh thủ trồng giống môn sáp Thái dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập. Cách đây khoảng một tuần, hộ ông ba Châu đã mua hàng trăm ký giống môn sáp Thái về trồng dưới tán rừng trầm hương của gia đình. Ông Châu bộc bạch: “Thấy nhiều hộ dân bên núi Cấm trồng môn sáp mùa mưa năm rồi thu nhập rất cao, 1ha trên 250 triệu đồng. Nên mùa mưa này tôi quyết định mua giống môn sáp về trồng, hiện đã xuống giống khoảng 5ha. Đầu ra của môn sáp chủ yếu tiêu thụ ở nước bạn Campuchia, mấy hôm nay, thương lái bên nước bạn sang khu vực Tha Lot tìm mua môn sáp nhưng không có nguồn bán. Tôi rất hy vọng sẽ trúng vụ khoai đầu tiên này”…

Mùa mưa năm nay, Công ty Cổ phần XNK DOMESCO Đồng Tháp mở rộng thêm diện tích khoảng 60ha trồng nghệ xà cừ và gấc tại khu vực Tha Lot, huyện Tịnh Biên. Công ty cho nông dân tạm ứng trước tiền giống, thời hạn ký hợp đồng trồng 3 năm. Năm 2012, Công ty đã hợp đồng trồng nghệ xà cừ với 73 hộ tại 3 xã: An Hảo, An Cư và An Phú, với tổng diện tích là 27ha. Năng suất thu hoạch dao động 4-6 tấn/ha, giá bao tiêu sản phẩm 10.000 đồng/kg, bà con thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/công. Theo nhiều nông dân được ký hợp đồng, 2 loại cây này thích hợp trong mùa mưa và dễ trồng, cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác, được bao tiêu sản phẩm, nên họ rất an tâm.

Theo Cần Thơ Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.