Phát hiện lao chủ động, sử dụng kỹ thuật GeneXpert

Ngày 12/3, tại Cà Mau, Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock thuộc Trường đại học Sydney (Australia) phối hợp Chương trình chống lao Quốc gia thuộc Bộ Y tế tổ chức hội thảo khởi động dự án “Nghiên cứu đánh giá phương pháp phát hiện lao chủ động tại cộng đồng sử dụng kỹ thuật GeneXpert MTB/RIF trong việc giảm tỷ lệ mắc lao tại tỉnh Cà Mau.”

Khám, điều trị cho bệnh nhân lao.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và các bác sỹ chuyên khoa lao hàng đầu ở Việt Nam và Australia.

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Dự án Phòng chống lao Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Chương trình phòng chống lao tại cộng đồng sử dụng kỹ thuật GeneXpert MTB/RIF.

Đây là kỹ thuật tìm vi khuẩn lao trong đàm và tầm soát lao kháng thuốc để điều trị lao có hiệu quả.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực khám, điều trị bệnh lao được xem là bước đột phá về công nghệ, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc lao tại địa bàn triển khai chương trình phòng chống lao, giảm tỷ lệ người mắc và tử vong do bệnh lao.

Tại hội thảo, đại diện các nhà nghiên cứu khoa học, các đối tác, các bác sỹ chuyên khoa lao hàng đầu ở Việt Nam và Australia đã dành nhiều thời gian đánh giá hoạt động, thảo luận, chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án; sự hợp tác của tỉnh Cà Mau trong việc triển khai, đánh giá phương pháp phát hiện lao chủ động tại cộng đồng bằng sử dụng kỹ thuật GeneXpert MTB/RIF trong việc giảm tỷ lệ lao tại tỉnh.

Sở Y tế Cà Mau mong muốn Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock cần sớm thành lập Văn phòng chính thức tại Cà Mau, các chuyên gia của Woolcock hỗ trợ về kinh nghiệm chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại và xây dựng mô hình hoạt động quản lý chương trình phòng chống bệnh lao đạt hiệu quả.

Dự án “Nghiên cứu đánh giá phương pháp phát hiện lao chủ động tại cộng đồng sử dụng kỹ thuật GeneXpert MTB/RIF trong việc giảm tỷ lệ mắc lao tại tỉnh Cà Mau” dự kiến triển khai đến năm 2018, với mục tiêu khám sàng lọc bệnh lao miễn phí cho 120.000 người dân Cà Mau.

Theo đó, những người được phát hiện mắc lao sẽ được tư vấn và giới thiệu tới các cơ sở điều trị miễn phí trong mạng lưới của Chương trình chống lao Quốc gia.

Bên cạnh đó, dự án sẽ chuyển giao công nghệ sàng lọc và chẩn đoán lao bằng kỹ thuật GeneXpert MTB/RIF cho cán bộ y tế địa phương.

Qua đó, Dự án sẽ đánh giá hiệu quả của phương pháp sàng lọc chủ động này để làm cơ sở nhân rộng ở nhiều địa phương khác trong cả nước ./.

VietnamPlus

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.