Muốn áp giá trần xăng dầu, điện, phải minh bạch chi phí

Muốn áp giá trần xăng dầu, điện, phải minh bạch chi phí. Đó là khẳng định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, trước các ý kiến cho rằng cần có giá trần cho mặt hàng xăng dầu và điện, để xử lý độc quyền và vị thế thống lĩnh thị trường của các tập đoàn, doanh nghiệp hiện nay.

Tại tọa đàm khoa học “Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh” do Bộ Tài chính mới tổ chức, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cho phép các tập đoàn như than khoáng sản, điện lực Việt Nam, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng giá theo lộ trình là điều không hay, vì các doanh nghiệp này đang độc quyền, nguy hiểm nhất là tạo kỳ vọng tăng giá trong dân chúng. Thực tế là mỗi khi giá điện, xăng dầu tăng, thì hàng loạt các mặt hàng liên quan như vận tải, xi măng, sắt, thép, rồi hàng tiêu dùng, thậm chí mớ rau ngoài chợ cũng tăng theo.

Ảnh minh họa

Ông Phong cho rằng các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, lẫn người tiêu dùng đang bị ngộ nhận về giá thị trường. Các doanh nghiệp đòi hướng tới giá thị trường, trong khi tại Việt Nam, ở các mặt hàng xăng, dầu, điện, than, chưa hề hình thành một thị trường cạnh tranh nào cả.

Cũng tại buổi tọa đàm, một đề xuất gây nhiều chú ý và được dư luận rất quan tâm đó là khi chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã đề xuất phương án áp trần giá đối với các mặt hàng độc quyền như xăng, dầu, điện. Theo ông Ánh, áp trần sẽ khác với việc Nhà nước định giá, vì Nhà nước định giá nghĩa là buộc phải bán đúng giá đã định, trong khi đưa ra giá trần là cho phép các doanh nghiệp được bán các mức giá khác nhau, nhưng bắt buộc phải ở dưới giá trần. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh bằng cách giảm giá dựa trên cơ sở giảm giá thành.Về cách xác định giá trần, theo ông Ánh, cần tính toán chi phí, bao gồm cả khoản thu nộp cho ngân sách nhà nước. “Việc áp giá trần là để đảm bảo doanh nghiệp không thể bán đắt quá, dẫn đến vi phạm lợi ích người tiêu dùng. Còn doanh nghiệp muốn đạt lợi nhuận cao, phải tăng sức cạnh tranh bằng việc giảm chi phí, chứ không phải cạnh tranh bằng cách tăng giá bán, và điều chỉnh giá là việc của cơ quan chức năng, chứ không phải của doanh nghiệp”, ông Ánh phân tích.

Ảnh minh họa

Về ý kiến này, trao đổi với PV Báo CAND, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng thực ra, việc áp giá trần cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là ngắn hạn, giải pháp nhất thời, trong khi thị trường xăng dầu vẫn mang nặng tính độc quyền, không có cạnh tranh. Vấn đề quan trọng nhất là phải minh bạch thị trường xăng dầu, điện, đặc biệt là minh bạch về chi phí.

“Anh muốn áp trần giá, anh căn cứ vào đâu để áp mức trần? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách tính chi phí của doanh nghiệp để tạo nên giá thành. Muốn vậy, cơ quan quản lý phải kiểm soát được giá nhập khẩu, các chi phí khác như vận tải, nộp ngân sách…, tức là các yếu tố cấu thành giá. Hiện nay, hầu hết các đợt tăng giá xăng dầu đều do đề xuất của doanh nghiệp, trên cơ sở tự tính toán chi phí tạo nên giá thành. Và điều đáng nói là hầu hết cách tính giá này đều được Bộ Tài chính đồng thuận. Việc tính toán này đúng hay sai thì tôi không bình luận, nhưng có thể chắc chắn một điều quan trọng là Bộ Tài chính phải là cơ quan đứng ra thẩm định giá. Mà kết quả thẩm định giá sẽ phụ thuộc vào việc có lợi ích nhóm hay không, phụ thuộc vào chính lương tâm, trách nhiệm và cả trình độ của cơ quan quản lý. Hoặc không, Bộ Tài chính có thể phối hợp với các chuyên gia thẩm định giá độc lập có năng lực và có kinh nghiệm. Khi thẩm định được chi phí, thì mới có thể áp giá trần chính xác. Còn nếu không minh bạch được, thì việc áp giá trần sẽ không có cơ sở. Hơn nữa, đây cũng là 1 biện pháp hành chính, nên không phải là giải pháp căn bản”, ông Tuyển phân tích

CAND

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.