Malaysia có thể đóng vai trò chủ chốt giảm căng thẳng ở Biển Đông

Trong số ra ngày 22/6, tờ ”The Star” của Malaysia đã đăng bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư David Arase – chuyên gia ngành chính trị quốc tế tại Trung tâm Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), một cơ sở của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) – về tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Giáo sư Arase cho rằng Malaysia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng ở khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động quyết đoán ở Biển Đông.

Theo Giáo sư Arase, để giảm thiểu nguy cơ xung đột, các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà Malaysia sẽ giữ chức Chủ tịch vào năm tới, nên thúc đẩy thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh Malaysia có thể phát huy vai trò lãnh đạo, kinh nghiệm, chuyên môn và nguồn lực của mình để thúc đẩy hai bên đạt được văn kiện này.

ASEAN và Trung Quốc cần sớm hoàn tất COC để tránh những va chạm, xung đột trên Biển Đông. Ảnh: TTXVN phát

Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư Arase cho rằng đây là mối quan ngại lớn vì có nguy cơ đẩy mọi việc vượt tầm kiểm soát.

Vì vậy, nếu COC được ký kết, các bên sẽ tuân theo các thủ tục thương lượng và hòa giải, đồng thời có nguyên tắc để giải quyết khi xung đột xảy ra. Theo Giáo sư Arase, COC không phải là cơ chế chỉ ra “ai đúng ai sai”, mà để giúp các nước tránh xung đột. Tuy nhiên, để sớm đạt được thỏa thuận về COC, các nước ASEAN cần phải xích lại gần nhau và tiến hành thương lượng tập thể cũng như đa phương với Trung Quốc.

Giáo sư Arase nhấn mạnh Trung Quốc coi Biển Đông là khu vực chiến lược nên rất muốn kiểm soát an ninh ở vùng biển này. Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hành động quyết đoán hòng thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cho dù cả giới quan chức và học giả Trung Quốc đều không có đủ lý lẽ chứng minh vùng biển nào thuộc chủ quyền của mình. Vì vậy, các yêu sách của Trung Quốc có thể sẽ còn thay đổi và đây là cơ hội cho các nước ASEAN cùng hợp tác đối phó.

TTXVN/Tin tức

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.