Khuyến khích nông dân ứng dụng “công nghệ sinh thái”

Tại tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam (Cục BVTV- Bộ NN&PTNT) hợp tác cùng các chuyên gia Viện Lúa quốc tế (IRRI) tổ chức sơ kết Chương trình “Công nghệ Sinh thái và bảo tồn ong mật – tác nhân thụ phấn tăng năng suất cây trồng”. Mô hình này không chỉ giúp nông dân tăng năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thiết thực trong bảo vệ môi trường sống. Các nhà khoa học cho rằng để nhân rộng mô hình cần khuyến khích và hỗ trợ nông dân nhiều hơn.

Tăng hiệu quả sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường

Mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” được thử nghiệm trong vụ lúa đông xuân 2009-2010 tại 2 huyện Cai Lậy và Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đến nay, Tiền Giang đã xây dựng được 105 mô hình, với diện tích 1.982 ha, tăng hơn 1.860 ha so với năm 2010. Mô hình này trồng các loài hoa dại (soi nhái, hoa xuyến chi, cúc mặt trời, cẩm tú, trâm ổi, đậu xanh, lạc dại, hoa mười giờ…) trên bờ ruộng để dẫn dụ các loài thiên địch nhằm khống chế các loài côn trùng gây hại, giữ cân bằng hệ sinh thái cho ruộng lúa. Qua 3 năm thực hiện, nông dân tham gia mô hình tăng lợi nhuận khoảng 1,9 – 2,5 triệu đồng/ha/vụ; năng suất lúa vẫn đảm bảo tốt, giảm được lượng sử dụng lúa giống, phân bón, thuốc BVTV. Đặc biệt, nông dân đã giảm phun xịt được một lượng thuốc trừ sâu rầy từ 30 – 37,5 kg (lít)/ha/năm nên giảm được ô nhiễm môi trường và góp phần cải thiện sức khỏe cho cộng đồng.

Mô hình công nghệ sinh thái quản lý dịch hại trên lúa cũng được tỉnh An Giang triển khai ứng dụng từ vụ hè thu 2010. Từ 40 hộ nông dân tham mô hình với diện tích 30 ha thì đến vụ đông xuân 2012-2013 đã nâng lên 742 hộ, với diện tích hơn 410 ha. Chỉ tính riêng phần giảm lượng thuốc trừ sâu đã giúp nông dân tham gia mô hình tăng lợi nhuận bình quân trên dưới 1 triệu đồng/ha/vụ. Thường thuốc BVTV khi phun cho cây trồng, tỷ lệ hấp thụ qua cây chỉ chiếm 20%, bốc hơi 15-20%, còn lại 60-65% thấm vào đất và hòa vào nước. Do vậy, việc giảm sử dụng thuốc BVTV có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, bên cạnh việc trồng hoa trên ruộng lúa thì việc bảo vệ đàn ong mật và các loài thiên địch nói chung không chỉ giúp giảm lượng sử dụng phun thuốc BVTV trên ruộng lúa mà còn giúp nhiều loại cây trồng khác tăng năng suất, sản lượng và chất lượng trái. PGS-TS Trần Thị Ba, Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Khả năng tự thụ phấn và cho trái của nhiều loại rau màu như: dưa leo, bầu bí, cà chua… sẽ đạt rất thấp nếu không có sự trợ giúp của ong. Các kết quả nghiên cứu gần đây của Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng cho thấy, nhờ có đàn ong mà năng suất cho trái của dưa leo, cà bi… đã tăng lên từ 20-70% so với không có ong. Con ong có vai trò rất quan trọng trong tăng năng suất, chất lượng trái ở giai đoạn cây cho trái rộ. Nhưng trong thực tế, có không ít nông dân thấy ong xuất hiện, bay vo ve nhiều trên cây trồng lại sợ nó gây hại cho cây đã phun thuốc xịt. Vì vậy, thời gian qua chúng tôi luôn cố gắng tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của ong và bảo vệ nó”.

Có thể nói, mô hình ứng dụng “công nghệ sinh thái” quản lý dịch hại trên cây trồng đã khẳng định hiệu quả và sự cần thiết phải được nhân rộng phát triển do nó vừa giúp tăng hiệu quả sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường. Song, để nhân rộng mô hình này đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia…

Khuyến khích nhân rộng mô hình

Theo các nhà khoa học, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc nhân rộng mô hình là làm thay đổi nhận thức của nông dân. Bởi còn không ít nông dân vẫn giữ thói quen phun thuốc theo tập quán và lệ thuộc vào các loại thuốc hóa học khi phòng trị sâu bệnh trên cây trồng, chưa quan tâm nhiều đến các biện pháp sinh học, chưa thấy hết được lợi ích của việc trồng hoa nên chưa tích cực tham gia. Ngoài ra, những khó khăn về điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất cũng gây khó khăn cho việc trồng hoa trên bờ ruộng như: bờ ruộng nhỏ, khó đi lại khi trồng và chăm sóc hoa, xa nguồn nước tưới, cây hoa bị chết trong mùa lũ phải tốn công trồng lại vụ sau… Do vậy, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng và địa phương trong việc nâng cao nhận thức cho nông dân và có các giải pháp hỗ trợ người tham gia.

Theo Tiến sĩ KL. Heong, Viện Lúa quốc tế (IRRI), việc lạm dụng thuốc BVTV để phòng trị các loại sâu bệnh hại lúa không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường mà còn gây nguy cơ bùng phát các loại sâu bệnh trong những vụ sản xuất sau do các loài thiên địch có vai trò khống chế sâu rầy bị phun thuốc chết. Vì vậy, nông dân cần phun thuốc BVTV một cách phù hợp theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đồng thời kết hợp trồng cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn và nuôi dưỡng ong cùng các loài thiên địch có lợi nhằm khống chế, tiêu diệt các loài dịch hại, bảo vệ sản xuất và tạo sinh cảnh đẹp. Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đàn ong mật cũng có vai trò rất lớn trong việc giúp tăng khả năng thụ phấn cho các loại cây ăn trái. Nhà vườn trồng cây ăn trái cần hỗ trợ những người nuôi ong mật trong việc phát triển nghề này để cả 2 bên cùng có lợi, không nên xua đuổi những người nuôi ong đem các thùng ong đến gửi tại vườn mình trong các mùa cây trái ra hoa…

Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, cho biết cần phải tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình ứng dụng “Công nghệ sinh thái” và mở rộng quy mô ra nhiều loại cây trồng và có sự phối hợp chặt hơn nữa giữa các bên có liên quan. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo và có các hỗ trợ cho người dân tham gia. Hiệu quả của việc ứng dụng “Công nghệ sinh thái” khi mọi người cùng tham gia và cả vùng cùng làm. Tới đây, Trung tâm BVTV phía Nam sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương và các viện trường để tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả ứng dụng mô hình để tiếp tục có nghiên cứu sâu hơn nhằm đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân rộng và phát triển./.

Baocantho

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.