Không để tham nhũng phá hoại thành quả giảm nghèo

Có nhiều nguyên nhân tác động đến thành quả giảm nghèo, trong đó có cả tiêu cực, tham nhũng.

Ngày 17/10 hàng năm được Liên hợp quốc lấy làm ngày thế giới chống đói nghèo. Ở nước ta, từ năm 2000, Mặt trận Tổ quốc phát động cuộc vận động vì người nghèo, và từ đó 17/10 hàng năm được lấy làm Ngày Vì người nghèo. Kết quả từ cuộc vận động này hơn chục năm qua rất đáng khích lệ, tuy nhiên chưa thực sự bền vững.

Năm nào chúng ta cũng sơ kết, tổng kết và đưa ra những con số khá ấn tượng về thành tích giảm nghèo. Nhưng ấn tượng hơn những con số là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã cho thấy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, với hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm dành cho mục tiêu nhân văn này. Bên cạnh những nguồn lực tập trung, ở khắp nơi trên đất nước ta đâu đâu cũng có thể gặp những tấm lòng bao dung, những nghĩa cử đùm bọc nhau trong khó khăn hoạn nạn, thương người như thể thương thân.
Cuộc vận động này cũng khơi dậy trong mỗi người ý chí tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Chưa ai thống kê, nhưng trong hơn chục năm qua có rất nhiều người nghèo từ chỗ phải nhận trợ giúp đã biết nắm bắt cơ hội để làm giàu, rồi họ lại giúp đỡ một cách thiết thực và hiệu quả cho những người còn nghèo khó. Vậy tại sao kết quả giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững ? Có thể kể ra nhiều nguyên nhân. Dễ thấy nhất là cứ sau một trận bão lũ, một đợt dịch bệnh, một lần vỡ đập thủy điện thủy lợi, hay một vụ tai nạn nghiệm trọng thì lại có thêm nhiều gia đình rơi vào cảnh bần cùng.

Trẻ nhỏ không được đến trường nữa, người già phải bươn chải, giật gấu vá vai, ra chợ cứ nâng lên đặt xuống từng mớ rau, con cá. Song, còn có một nguyên nhân không dễ thấy trực tiếp như thế mà lại tác động rất mạnh đến sự bền vững của kết quả giảm nghèo. Đó là việc sử dụng các nguồn lực tập trung. Mặt trận các cấp luôn luôn cố gắng quản lí thu chi Quĩ Vì người nghèo một cách công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, nhưng cũng không tránh khỏi sai sót, kể cả việc trợ giúp không đúng đối tượng. Cũng là nguồn lực tập trung và lớn hơn nhiều so với quĩ này, đó chính là các quyết định đầu tư.

Các tỉnh nghèo vẫn muốn làm thủy điện, khu nghỉ dưỡng hơn là hướng nguồn lực ấy vào cải thiện hạ tầng giao thông ở miền núi hay xây thêm trường học, bệnh viện. Ở các đô thị lớn thì những khu biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao cấp cứ đua nhau mọc lên bất chấp khả năng thanh toán của số đông dân cư.

Quyết định đầu tư thế nào đã khó, đến khi sử dụng nguồn lực ấy lại có nhiều tiêu cực, thất thoát, tham nhũng. Ở một tỉnh nghèo miền Trung mà có những trường học miền núi xây nhà vệ sinh mất trên dưới nửa tỉ đồng. Ở nơi phồn hoa đô hội thì người ta còn muốn làm hẳn một con đường cao tốc hàng ngàn tỉ để cuối tuần đi lễ bái cho thuận tiện. Trong nhiều dự án điện có thêm những biệt thự, sân tennis, mà chưa biết chi phí ấy có nằm trong giá điện bán cho người nghèo hay không. Mới nhất, kết quả điều tra cho thấy chỉ một cái ụ nổi sửa chữa tàu biển mà những người thừa hành đã tìm mọi cách mua đắt thêm hàng triệu USD, sau đó nhận tiền lại quả để tậu căn hộ cao cấp.

Phân tầng xã hội do chênh lệch giàu nghèo để lại hậu quả khó khắc phục, tạo nên tâm lí bất ổn cho số đông. Vậy nên, những sự phá hoại ngấm ngầm như vừa kể cho dù có sự bao che giấu giếm thế nào thì đến lúc cũng bộc lộ ra và phải bị xử lí nghiêm minh.

Tuy nhiên, vấn đề là với chủ trương đa dạng hóa các nguồn lực của Nhà nước, của cộng đồng, của doanh nghiệp và vận động quốc tế để thực hiện mục tiêu nhân văn “vì người nghèo” thì chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, phát huy dân chủ cơ sở và tăng cường giám sát để quản lí nguồn lực và điều hành thực hiện các dự án một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn, không để kẽ hở cho sự lãng phí, tham nhũng. Có như thế mới tạo ra được môi trường lành mạnh và cơ hội bình đẳng cho mọi người, từng bước xoá bỏ cả nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của sự nghèo đói, bảo vệ thành quả an sinh xã hội mà cả hệ thống chính trị và toàn dân ta nỗ lực đắp bồi hàng ngày, hàng giờ.

VOV Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.