Hội nhập mà không đánh mất giá trị văn hóa dân tộc

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm (1998 – 2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dự hội nghị. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng là nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về văn hóa. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong toàn xã hội được nâng lên rõ rệt. Chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã lan tỏa rộng sâu rộng trong đời sống xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, những vấn đề lý luận và thực tiễn đang được đặt ra là chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, đảm bảo cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế. Kinh tế không thể phát triển bền vững nếu không đặt rõ vấn đề văn hóa trong mỗi hoạt động kinh tế.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và các mặt của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và chăm lo phát triển văn hóa, coi văn hóa là một mặt trận quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, của nhân dân ta.

Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới là rất nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu lên một số nhiệm vụ lớn, theo đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải chủ động phối hợp với các ngành, các cấp nghiên cứu, có những cách làm hay, sáng tạo, thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất để tranh thủ cơ hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế, những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, để dân tộc ta không đánh mất mình trong thế giới luôn phát triển và biến động khó lường, để hội nhập mà không hòa tan, không đánh mất giá trị văn hóa của dân tộc, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, tích cực triển khai “Chiến lược phát triển văn hóa đến 2020”.

Xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp nhằm phát huy nội lực, khai thác các lợi thế, thành tựu đã đạt được và thế mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông toàn cầu, hội nhập quốc tế để chủ động hội nhập văn hóa, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu truyền thống văn hóa dân tộc từ tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời có đóng góp tích cực vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Bên cạnh đó, phải kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng con người Việt Nam với các giá trị văn minh mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Mỗi người dân, gia đình, làng xã, công sở, đơn vị, doanh nghiệp và cả xã hội cùng nỗ lực, sáng tạo, chung tay xây dựng môi trường văn hóa quốc gia lành mạnh, văn minh và là nền tảng cho quá trình nhập thân văn hóa của mỗi người chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

Theo Báo tin tức

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.