Hoàn lưu bão số 3 và triều cường gây thiệt hại ở Hậu Giang

Những ngày qua, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa lớn trên diện rộng, mưa kèm theo gió lớn cả ngày lẫn đêm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân trong tỉnh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang cho biết, địa phương đang bước vào cao điểm mùa mưa, cộng với đầu mùa lũ và hoàn lưu bão số 3, kết hợp với triều cường dâng cao… đã gây nhiều thiệt hại.

Theo số liệu thống kê, thiên tai đã làm thiệt hại hơn 170 căn nhà, làm 3 người chết, 4 người bị thương; xảy ra 13 điểm sạt lở…, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, hiện lượng mưa trên địa bàn tương đối lớn, cộng thêm lũ đầu nguồn đang tràn về làm mực nước trên đồng lên nhanh. Mưa đã làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch gần 50.000ha lúa Thu Đông, cây mía và các loại hoa màu khác.

Theo thống kê bước đầu, mưa bão, cộng lũ lụt đã làm khoảng 15% diện tích lúa Thu Đông bị ngập úng cục bộ, nhiều diện tích không thể thu hoạch bằng máy cơ giới, thiếu nhân công thu hoạch, hao hụt sản lượng lớn. Mưa dầm, không nắng, thiếu sân phơi, lò sấy trầm trọng, khiến lúa nẩy mầm, hư hỏng. Cùng đó, người trồng mía bước vào thu hoạch gần 13.000ha cũng bị gián đoạn.

Điều đáng lo lắng là hiện mưa lớn trùng hợp với lũ đầu nguồn đang tràn về, cộng với triều cường biển Đông lên cao vào cuối tháng 8 âm lịch đe dọa nhiều diện tích lúa, mía, hoa màu ở những địa phương đầu nguồn. Đặc biệt, đã xảy ra ngập úng các tuyến đường dân sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.

Tại các địa phương đầu nguồn như Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy…ngập úng, lũ lụt, sạt lở ven sông đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, nhất là sạt lở đất, gây thiệt hại nặng về nhà cửa, hoa màu.

Trước tình hình thiên tai bất lợi, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân cần chủ động phòng, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Trước mắt, các địa phương khẩn trương gia cố lại bờ bao, bơm tháo thoát nước chống tiêu úng, cứu lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản; khuyến cáo người dân chằng néo lại nhà cửa, công trình phúc lợi xã hội.

Đối với người dân sinh sống ven kênh rạch, khu vực thường ngập úng cần chủ động thăm dò, theo dõi triều cường và có giải pháp bảo vệ người, tài sản ./.

HUỲNH SỬ (TTXVN/VIETNAM+)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.