Hai miền Triều Tiên nhất trí nối lại đối thoại về Kaesong

Ngày 6/6, Hàn Quốc tuyên bố đã “chấp nhận một cách tích cực” đề nghị đối thoại do Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên đưa ra cùng ngày về việc nối lại các vòng đàm phán cấp chính phủ giữa hai miền Triều Tiên nhằm hướng tới bình thường hóa hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong và nối lại tour du lịch tới núi Kumgang.

Hãng thông tấn KCNA, ngày 6/6 dẫn tuyên bố của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên nhằm kêu gọi nối lại các vòng đàm phán liên Triều về khu công nghiệp chung Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang (Ảnh: Yonhap)

Hãng thông tấn KCNA, ngày 6/6, dẫn tuyên bố của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên, nêu rõ Bình Nhưỡng kêu gọi các nhà lãnh đạo của miền Bắc và miền Nam cùng tiến hành thảo luận về các vấn đề nổi cộm, làm căng thẳng các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên và làm phức tạp thêm tình hình bất ổn trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2013.

Bản tuyên bố đặc biệt của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên nêu rõ, Bình Nhưỡng “đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên về việc bình thường hóa hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong cũng như nối lại tour du lịch tới núi Kumgang nhân kỷ niệm ngày ký Tuyên bố chung liên Triều 15/6”. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn đề nghị tiến hành các sự kiện chung nhằm kỷ niệm 13 năm ký Tuyên bố chung liên Triều 15/6 và 41 năm ngày ký tuyên bố chung về tái thống nhất hòa bình 4/7, với sự hiện diện của chính quyền hai bên.

Tất cả các hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong – đặt tại phía Bắc khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ sau khi Bình Nhưỡng rút 53.000 lao động Triều Tiên làm việc cho 123 công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp này từ ngày 9/4. Sau quyết định trên của Triều Tiên, chính quyền Seoul buộc phải rút những công nhân cuối cùng khỏi Kaesong vào ngày 3/5 – chấm dứt hoạt động của một khu công nghiệp được xem là biểu tượng duy nhất của mối quan hệ hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Trong khi đó, các tour du lịch tới núi Kumgang cũng bị đình trệ từ tháng 6/2008 sau khi một lính bảo vệ của Triều Tiên bị cáo buộc là đã bắn chết một khách du lịch nữ người Hàn Quốc.

Phía CHDCND Triều Tiên khẳng định, nếu Hàn Quốc chấp nhận đề xuất đối thoại, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ tái thiết lập các kênh liên lạc thông qua làng đình chiến Panmunjom và cho phép khai thông liên lạc giữa hai miền Triều Tiên. Đường dây nóng Chữ thập đỏ (vốn được sử dụng cho các liên lạc cấp chính phủ giữa hai nước do hai bên không có các quan hệ ngoại giao) giữa hai miền Triều Tiên do lực lượng quân đội Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên điều hành đã bị Bình Nhưỡng đơn phương cắt bỏ vào hồi cuối tháng 3/2013 nhằm đáp trả các cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ – Hàn, cũng như nhằm phản đối việc chính quyền Seoul đã lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên.

Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên cho biết, các cuộc thảo luận chung giữa quan chức hai miền Triều Tiên (nếu được thực hiện) sẽ có thể đề cập tới một số vấn đề nhân đạo, điển hình như việc cho phép các gia đình bị chia rẽ bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 –1953) đoàn tụ. Theo đề xuất của cơ quan trên, các buổi đối thoại chung giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc có thể được thực hiện với sự hiện diện của cả các quan chức chính phủ và đại diện các tổ chức phi chính phủ của hai nước. Bên cạnh đó, Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên tiếp tục kêu gọi chính quyền Seoul cho phép các tổ chức phi chính phủ và các doanh nhân Hàn Quốc tới thăm và làm việc tại CHDCND Triều Tiên.

Phía CHDCND Triều Tiên cho rằng, những đề xuất trên được đưa ra dựa trên tinh thần của một lập trường vững vàng mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi nhằm thúc đẩy hòa giải, thống nhất dân tộc. Chính quyền Bình Nhưỡng nêu rõ, nếu các nhà chức trách Hàn Quốc thực sự muốn xây dựng niềm tin và cải thiện các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên thì chính quyền Seoul “không nên bỏ lỡ cơ hội này và cần đưa ra phản ứng tích cực trước đề xuất của Triều Tiên”.

Phản ứng trước tuyên bố trên của Triều Tiên, trong một tuyên bố ra ngày 6/6, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định: Chính phủ Hàn Quốc có quan điểm rất tích cực trước đề nghị đối thoại chính thức của Triều Tiên. Chính quyền Seoul hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc có thể xây dựng sự tin tưởng thông qua cơ hội này. Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, thời gian và địa điểm tổ chức các cuộc đối thoại này sẽ được Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo sau, dựa trên tinh thần nhất trí chung giữa Văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và các cơ quan có liên quan.

Các nhà làm luật của đảng Saenuri cầm quyền và đảng Dân chủ đối lập (DP) chính của Hàn Quốc, ngày 6/6 cũng ra tuyên bố hoan ngênh lời kêu gọi của CHDCND Triều Tiên.

Phát ngôn viên đảng Saenuri, ông Yoo Il-ho tuyên bố, việc CHDCND Triều Tiên đưa ra các lời kêu gọi trên cho thấy Bình Nhưỡng đã chấp nhận lập trường của chính quyền Seoul về cách thức thúc đẩy các vòng đối thoại giữa hai miền Triều Tiên. Ông Yoo Il-ho nói: “Đảng Saenuri hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ nối lại các vòng đối thoại trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời tin tưởng rằng động thái này sẽ là một bước tiến đầu tiên nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng niềm tin mà Tổng thống Park Geun-hye đã đề ra nhằm xoa dịu căng thẳng và đặt nền móng cho hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên”.

Phát ngôn viên của đảng DP, ông Park Yong-jin cũng ra tuyên bố hoan nghênh động thái mới nhất của CHDCND Triều Tiên, đồng thời hy vọng rằng, lời tuyên bố trên sẽ “mở ra một chương mới” nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong vòng vài tháng trở lại đây.

Trong khi đó, lời kêu gọi của CHDCND Triều Tiên không chỉ được các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đón nhận mà nhiều doanh nhân hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong, ngày 6/6 cũng hy vọng diễn biến này sẽ dẫn tới tương lai “bình thường hóa hoạt động của khu công nghiệp vốn là biểu tượng duy nhất của mối quan hệ hợp tác liên Triều” đã bị đóng cửa trong gần hai tháng qua./.

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.