Giá tôm giảm nhưng vẫn phải chủ động vùng nuôi

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu phải có chính sách nuôi dưỡng vùng nuôi bền vững, tránh bị động khi giá tăng trở lại.

Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã đến khảo sát và làm việc với Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang thuộc Tập đoàn Minh Phú. Đây là doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam về xuất khẩu tôm với công suất chế biến 40.000 tấn/năm.

Theo lãnh đạo Tập đoàn, hiện nay giá tôm giảm mạnh một phần do nguồn cung nguyên liệu quá dồi dào, bên cạnh đó quý I, quý II hàng năm luôn là thời điểm ngành sản xuất tôm gặp khó khăn do xuất khẩu giảm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trước mắt doanh nghiệp phải ổn định sản xuất, về lâu dài cần có chính sách nuôi dưỡng vùng nguyên liệu bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngoài nguyên nhân sản lượng tôm nuôi gia tăng khiến cung vượt cầu thì một số quốc gia khác như Ấn Độ cũng gia tăng sản lượng xuất khẩu, gây khó khăn cho ngành tôm Việt Nam, đặc biệt tại 06 tỉnh trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình hình này, Bộ trưởng đề nghị trước mắt doanh nghiệp phải ổn định sản xuất, về lâu dài cần có chính sách nuôi dưỡng vùng nguyên liệu bền vững, tránh xảy ra tình trạng người dân treo ao: “Nếu không chung tay lúc này mà để bà con “treo ao” thì chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu. Lúc đó giá sẽ đẩy lên, các doanh nghiệp chế biến phải chịu hậu quả. Do đó, lúc này rất cần sự chia sẻ để đảm bảo lợi ích hài hòa, quan trọng nhất là ổn định sản xuất.”

Tại Hậu giang, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn đã đến thăm Công ty Việt Nam Food, doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học từ phụ phẩm thủy sản sử dụng làm nguyên liệu trong các ngành: phân bón, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và dược phẩm. Qua tham quan thực tế, Bộ trưởng cho rằng, việc sản xuất chế phẩm sinh học từ phụ phẩm thủy sản là hướng đi tiềm năng đúng đắn nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng thủy sản Việt Nam, đồng thời, giải quyết khó khăn cho bài toán bảo vệ môi trường./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.