EU chưa có kế hoạch B cho kịch bản “Brexit”

Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố không có “kế hoạch B” thay thế nếu cử tri Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào ngày 23/6 tới.

Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước báo giới sau cuộc họp nội các tại số 10 phố Downing, London ngày 20/2. Ảnh: AFP/ TTXVN
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước báo giới sau cuộc họp nội các tại số 10 phố Downing, London ngày 20/2. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 21/2, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình “France 5” về việc liệu EU có kế hoạch gì nếu cử tri Anh “nói có” với quyết định rời khỏi “ngôi nhà chung châu Âu”, Ủy viên phụ trách Tài chính EU Pierre Moscovici khẳng định hiện EU không có kế hoạch B giúp đối phó với “kịch bản bất hạnh” này mà chỉ có một kế hoạch, đó là “Vương quốc Anh vẫn nằm trong một liên minh thống nhất”. Theo ông Pierre Moscovici, EC sẽ không tham gia chiến dịch vận động của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh, khẳng định bất kỳ sự liên quan nào có thể dẫn đến phản tác dụng.

Ông Pierre Moscovici cho rằng nếu cử tri tại “xứ sở sương mù” ủng hộ rời khỏi EU, đây sẽ là quyết định đảo ngược giá trị lịch sử nhiều năm của một liên minh thịnh vượng vốn được coi là ngày càng thu hút được nhiều nước gia nhập.

Liên quan đến viễn cảnh “Brexit”, giới phân tích cho rằng mặc dù Thủ tướng Anh David Cameron đã đạt được thỏa thuận cải cách với các đối tác châu Âu nhằm giữ London ở lại “ngôi nhà chung”, song những lo ngại ngày càng gia tăng trước nguy cơ EU sẽ rạn nứt hơn khi nhiều nước châu Âu khác hiện cũng yêu cầu “quy chế đặc biệt” như Anh.

Theo thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 18 và 19/2 vừa qua, hầu hết các yêu cầu cải cách mà London đặt ra trước đó, bao gồm vấn đề nhập cư, bảo vệ Khu Tài chính London, cũng như “miễn trừ” cho Anh bổn phận thực hiện cam kết về “một liên minh gần gũi hơn bao giờ hết” đều được đáp ứng. Anh chỉ buộc phải nhượng bộ kế hoạch hạn chế chi trả phúc lợi cho người lao động EU nhập cư và con cái của họ. Cụ thể, ý định của Anh “đóng băng” phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong 4 năm đầu làm việc ở nước này sẽ chỉ thực hiện trong thời hạn 7 năm và sẽ chỉ áp dụng với những công dân EU nhập cư mới chứ không phải với những công dân EU hiện đã làm việc tại Anh. Bên cạnh đó, ông Cameron cũng không thể thực hiện được ý định chấm dứt tất cả các khoản thanh toán phúc lợi trẻ em mà công dân EU làm việc ở Anh nhận được để gửi cho con cái họ vẫn ở quê nhà. Thay vào đó, các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh phù hợp với mức sinh hoạt ở nơi mà đứa trẻ đó đang sống và quy định này cũng sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Gia nhập EU từ năm 1973, song cho đến nay Anh vẫn từ chối gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tham gia Hiệp ước Schengen (khu vực miễn thị thực giữa nhiều nước thành viên EU).

(Baotintuc.vn)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.