Du lịch Việt Nam nên tập trung vào ẩm thực

Trái với kỳ vọng về năm Rồng, kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng đã trải qua một năm đầy khó khăn thử thách. Tổng kết, ngành du lịch hồ hởi báo cáo “Đón hơn 6 triệu khách quốc tế (thật ra 6 triệu người nước ngoài nhập cảnh vì nhiều lý do khác nhau) và trên 30 triệu khách nội địa”. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới, đó là những con số đẹp vì tăng hơn năm ngoái gần 20%. Tuy nhiên…

Nếu không có những phân tích về phân khúc, thị phần, mục đích, thời gian lưu trú, chi tiêu bình quân… thì đó chỉ là những số liệu vô hồn không đáng tin cậy. Phải chỉ rõ nguyên nhân, cả thành công và thất bại, cả thách thức và triển vọng cùng những biện pháp cụ thể. Đã qua rồi cái thời báo cáo chung chung, năm nào cũng na ná giống nhau, cứ năm sau tiến bộ hơn năm trước mà chẳng biết tại sao. Cứ ra rả nào nỗ lực, phấn đấu; nào thi đua, sáng tạo, quyết tâm, khắc phục… Tồn tại của du lịch Việt Nam chẳng có gì mới. Bao năm nay cứ lặp đi lặp lại mấy vấn nạn cũ mèm. Đó là nhà vệ sinh công cộng vừa bẩn vừa thiếu; là vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm quá kém; là an ninh xã hội suy giảm với nạn ăn xin, móc túi, cướp giật; là giao thông hỗn loạn; là nhân lực vừa thiếu vừa yếu, nhất là ngành lữ hành, từ hướng dẫn viên đến thiết kế tour… Giữa bát quái trận đồ yếu kém, cần phải chọn vài việc cụ thể để dứt điểm từng phần thì cứ dàn trải chung chung, nên du lịch Việt Nam dù có đủ “thiên thời, địa lợi” nhưng thiếu “nhân hoà” nên cứ ì ạch không cất cánh được.

Nhìn sang hàng xóm…

Đã đến lúc phải khẳng định “Thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam là ẩm thực”

Quán quân du lịch Asean là Malaysia. Diện tích bằng Việt Nam (303.000km2), dân số chưa bằng 1/3 (27 triệu so với 87 triệu) nhưng năm 2012, Malaysia đón gần 28 triệu khách quốc tế (tăng 8%). Thái Lan (diện tích 514.000km2, dân số gần 70 triệu) xếp nhì với hơn 23,5 triệu khách quốc tế (tăng 32%). Singapore diện tích chỉ bằng 1/3 Sài Gòn, dân số gần 5 triệu nhưng đón hơn 12 triệu khách quốc tế (tăng 20%). Nên nhớ, tổng số di sản thế giới của ba nước này cộng lại chỉ bằng một nửa của Việt Nam (Malaysia 3, Thái Lan 5, Singapore 0, còn Việt Nam 16). Diện tích của ba nước gấp 2,5 lần Việt Nam, dân số thì nhỉnh hơn một chút nhưng lượng khách quốc tế của họ gấp gần 10 lần Việt Nam!

Với “quả đấm thép du lịch” Legoland ở bang Johor rộng 51ha, vốn đầu tư 243 triệu USD, Malaysia đón thêm 2 triệu khách quốc tế mỗi năm, vững vàng giữ ngôi đầu Asean. Đây là công viên chủ đề Lego thứ sáu của thế giới và thứ nhất của châu Á (bốn công viên ở châu Âu và một công viên ở Mỹ). Nếu Disneyland là thiên đường cổ tích thì Legoland là thiên đường cổ tích hiện đại, một khu phức hợp vui chơi giải trí không chỉ mê hoặc trẻ em mà cả người lớn, sử dụng hơn 50 triệu lego để sáng tạo nên thế giới thần tiên. Phải cần khoảng bảy ngày mới chơi hết các trò ở đó.

Thái Lan có mức tăng trưởng ngoạn mục nhất, 32%, nhờ sự ổn định trở lại về chính trị, biên giới. Đặc biệt là các chính sách khuyến mãi và PR đồng bộ, chuyên nghiệp. Singapore sau khi đưa Universal và Marina Bay với Skypark vào hoạt động đã gia tăng lượng khách đáng kể. Mới đây, Singapore vừa khai trương Gardens by the Bay, còn gọi là công viên Ánh sáng hay vườn cây Siêu khủng rộng 250ha với bộ sưu tập đồ sộ hơn 260.000 thực vật khắp thế giới, có cây cả ngàn năm tuổi. Công viên là phức hợp sinh thái kết hợp xử lý ánh sáng cực kỳ hiện đại với 18 cây cao từ 25 – 50m. Nghèo khó như Campuchia, vẫn có át chủ bài để hút khách. Sau show “Smile of Angkor” khá hoành tráng và rất thành công ở Siem Reap, người Khmer đẩy mạnh các tuyến điểm không đụng hàng như “Núi Kulen và dòng sông ngàn Linga”, “Cố đô Oudong”, “Đền thiêng Preah Vihear”… Đặc biệt là phức hợp giải trí năm sao trên cao nguyên Thansur Bokor, cách biển Campot 12 km, tỉnh có tượng đài trái sầu riêng.

Sao Việt Nam không tập trung vào ẩm thực?

Đầu bếp nổi tiếng Yan trong phim truyền hình thực tế về ẩm thực “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan”.

Nhìn lại Việt Nam, thử hỏi chúng ta có gì? Sau bao năm làm du lịch, chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở định hướng chung chung, dàn trải với các festival lễ hội “hoành tráng về tiền bạc, nghèo nàn về nội dung, chẳng có tác dụng bao nhiêu với du lịch”. Ta có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, hơn 500 ngày kỷ niệm, rồi năm du lịch các vùng, các tỉnh… nhưng chẳng để lại dấu ấn gì. Hiệu quả du lịch, không chỉ ở số lượng khách mà ở doanh thu và lợi nhuận. Điều này cho thấy vì sao khách nước ngoài đến Philippines ít hơn Việt Nam nhưng họ ăn đứt ta về doanh thu. Bình quân thời gian lưu trú và chi tiêu ở Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực, kể cả Campuchia.

Làm sao du lịch cất cánh khi điện đóm cứ chập chờn, đường sá thì tồi tệ, cơ sở hạ tầng không thể cạnh tranh. Chưa kể nạn nhũng nhiễu trong giao thông, nạn đầu cơ nâng giá các dịp cao điểm, nạn hàng nhái hàng giả. Đã đến lúc phải khẳng định “Thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam là ẩm thực”, chứ không phải là những thứ chung chung trừu tượng như lâu nay, để từ đó có kế hoạch tập trung khai thác. Từ khởi xướng của hiệp hội Du lịch TP.HCM, công ty Điền Quân đã tiên phong đột phá khi “mạo hiểm” chi hơn 1 triệu USD cho 26 tập phim truyền hình thực tế hấp dẫn về ẩm thực “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan”. Đây là sự mạo hiểm có tính toán và rất đáng hoan nghênh. Cần tính liền việc sưu tầm và biên soạn tự điển 1.000 món ngon Việt Nam; bổ sung ngay phần ẩm thực các vùng quê Việt Nam vào chương trình đào tạo bếp trưởng…

Tiền tổ chức hơn 8.000 lễ hội và hơn 500 ngày kỷ niệm hàng năm ở Việt Nam thừa sức làm mấy quả đấm thép để du lịch tăng tốc. Ngành du lịch cần có ngay chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Chỉ cần mỗi tháng, thậm chí mỗi quý làm được vài việc hiệu quả còn hơn là hô hào suông. Hãy bắt đầu từ nhà vệ sinh và việc dọn rác. Các bạn sinh viên quốc tế vừa dạy chúng ta bài học về vệ sinh môi trường ở Hạ Long. Phải biết xấu hổ vì kinh tế và du lịch Việt Nam cứ mãi yếu kém. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, là còn hy vọng có những hành động để đổi đời, đổi vận nước./.

(Theo sgtt)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.