Đổi mới toàn diện giáo dục phải quyết liệt nhưng cẩn trọng

Trong đổi mới giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học sẽ mang lại nhiều kỳ vọng nhất vì cả người dạy và người học ở các trường đại học, cao đẳng đều có nhận thức cao, sản phẩm đầu ra là nguồn nhân lực cho xã hội.

Vấn đề cốt lõi là làm sao để sản phẩm của giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng phải tạo ra được đội ngũ lao động có đủ năng lực cả về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ lẫn kỹ năng sống. Cùng với đột phá thi cử cần thực hiện đột phá đổi mới quản lý, trong đó đột phá đổi mới ngay từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu tiên, đúng nghĩa cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết thời gian qua cơ cấu ngành nghề đào tạo đã được điều chỉnh; cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh có sự thay đổi theo hướng giảm sinh viên theo học các ngành kinh tế và quản lý; tăng số lượng thí sinh các ngành nghề xã hội có nhu cầu; tỷ lệ sinh viên theo học các hệ không chính quy tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, nhận thức về giáo dục đại học của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực. Việc lựa chọn ngành, chọn trường đã đi theo hướng chất lượng. Thí sinh bước đầu có quyết định thực tế hơn trong việc lựa chọn học nghề hay đại học, được thể hiện rõ nét qua các mùa tuyển sinh gần đây.

Năm 2013, số thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh đã giảm 10% so với năm trước. Trong khi đó, một số ngành đào tạo có hồ sơ đăng ký dự thi tăng như: nhóm ngành khoa học giáo dục (tăng 3,1%), khoa học sức khỏe (tăng 1,7%), công nghệ kỹ thuật (tăng 0,5%), kỹ thuật môi trường và bảo vệ môi trường (tăng 1,4%)…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Nhiều trường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân bố chỉ tiêu hài hòa giữa các ngành đào tạo. Những bất cập trong việc mở ngành, chuyên ngành của những năm học trước đã được xử lý kịp thời.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Về công tác tuyển sinh cần làm chặt chẽ hơn trong công tác tập huấn giám thị, công tác chấm thi, xác định điểm trúng tuyển, tránh trường hợp một số trường xác định điểm trúng tuyển không hợp lý, dẫn tới vượt quá chỉ tiêu đã xác định, vượt quá năng lực đào tạo của trường.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.