Doanh nghiệp bán lẻ kiên trì bình ổn giá

Xăng, dầu, điện, gas… liên tục tăng giá đã khiến giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường nhấp nhổm tăng. Tuy nhiên, để bình ổn thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ khẳng định sẽ áp dụng chính sách bình ổn giá.

Người dân mua hàng bình ổn giá tại siêu thị.

Không chấp nhận tăng giá bất hợp lý

Mặc dù trên thị trường, nhiều hàng hóa đã thiết lập mặt bằng giá mới, song các DN bán lẻ khẳng định sẽ không tăng giá bán bởi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, việc tăng giá sẽ khiến sức mua giảm sút.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C, mặc dù đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, song các mặt hàng tại siêu thị đều chưa tăng giá và sẽ giữ ổn định ít nhất đến hết tháng 8/2013. “Chúng tôi luôn duy trì sự cạnh tranh từng mặt hàng bằng cách duy trì đồng thời từ 2 – 3 nhà cung cấp. Nếu một nhà cung cấp đề nghị tăng giá mà các nhà cung cấp cùng mặt hàng đó không tăng giá, Big C cương quyết không chấp nhận. Việc có nhiều nhà cung ứng sẽ khiến họ phải cân nhắc kỹ mỗi khi tăng giá” – ông Dũng cho biết thêm. Còn đại diện siêu thị Saigon Co.op Hà Nội cho biết: Siêu thị cũng đã nhận được đề nghị tăng giá hàng hóa từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, giá hàng hóa tại Saigon Co.op Hà Nội chưa tăng ngay trong thời gian tới do đơn vị đang dự trữ một lượng hàng khá lớn.

Không chỉ Big C, Saigon Co.op Hà Nội mới từ chối đòi hỏi tăng giá hàng hóa của các nhà cung cấp để bình ổn thị trường mà hầu hết các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đang có động thái tương tự. Đại diện Fivimart và Hapro Mart cho biết: Để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý từ các cung cấp, ngoài việc tìm kiếm những DN cung ứng hàng hóa mới, siêu thị còn hạn chế việc ký các hợp đồng cung ứng hàng hóa ngắn hạn, từ đó tránh đột biến về giá.

Theo bà Vũ Phương Thanh – Phó Giám đốc Ban Quản lý siêu thị Công ty CP Intimex Việt Nam, nhằm hỗ trợ DN sản xuất giảm được giá thành, hệ thống siêu thị Intimex đã giảm thiểu thủ tục hành chính, hỗ trợ kinh phí trưng bày… Thực tế cho thấy, làm được như vậy là do DN phân phối luôn có chính sách thu mua hàng hóa ổn định, cam kết với nhà cung cấp mức giá bình ổn trong thời gian dài đồng thời luôn có sự đối thoại với các nhà cung cấp để kịp thời làm rõ nguyên nhân và tác động của việc điều chỉnh xăng, dầu và giá nguyên liệu lên giá thành sản phẩm. Nhờ đó hầu hết DN phân phối đánh giá được việc tăng giá có hợp lý hay không để có sự điều chỉnh.

Đẩy mạnh chương trình bình ổn

Người dân mua hàng tại siêu thị Big C.

Nhằm bình ổn giá cả thị trường, trong tháng 4/2013, UBND TP Hà Nội đã cho các DN phân phối vay 318 tỷ đồng, lãi suất 0% để thực hiện bình ổn giá 7 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ nay đến tháng 4/2014.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để tập trung đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định giá cả những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, TP Hà Nội đã quyết định đưa 3 mặt hàng gồm thực phẩm chế biến, đường ăn và giấy vở học sinh ra khỏi chương trình. Như vậy, số vốn TP cho DN vay sẽ tập trung dự trữ gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, rau củ tươi… đáp ứng bình quân 10% so với nhu cầu tổng mức 7 nhóm mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, các DN bằng nguồn vốn tự có chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng được khoảng 20% so với tổng mức tiêu thụ của TP trong một tháng.

Để hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng, hạn chế việc tăng giá bất hợp lý, trong thời gian qua, các DN bán lẻ đã mở gần 600 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có gần 300 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành. Từ đầu năm đến nay, ngành thương mại đã tổ chức 289 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, khu công nghiệp… Kiểm tra thực tế cho thấy, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đang tích cực triển khai sản xuất, tạo nguồn hàng, đảm bảo lượng hàng cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, chất lượng hàng hóa đảm bảo, đạt tiêu chuẩn ATTP, nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Nhằm kích cầu tiêu dùng, trong tháng 11/2013 Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các siêu thị, DN sản xuất tổ chức Tháng khuyến mại 2013 với các chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm tăng sức mua trong khách hàng, hoạt động này còn có tác dụng bình ổn thị trường…

Mặc dù hệ thống bán lẻ hiện chỉ chiếm gần 30% thị phần nhưng có tác dụng định hướng giá cả thị trường, vì vậy sự liên kết chặt chẽ của các DN bán lẻ trong việc thu mua và tham gia chương trình bình ổn giá đã có tác dụng kìm giữ tình trạng tăng giá ồ ạt từ phía các nhà cung ứng, ổn định thị trường.

Kinh tế Đô thị

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.