ĐBSCL: Đầu ra nông sản bấp bênh, nông dân lúng túng

Nông sản làm ra dù chất lượng rất cao, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế nhưng đầu ra chỉ huy hoàng sau một thời gian ngắn rồi vội tắt. Có nhiều sản phẩm lệ thuộc quá nhiều vào thị trường, thương lái… nên nông dân không thể an tâm sản xuất. Đó là tình cảnh của nông dân ĐBSCL hiện nay!

Vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP chỉ được thu mua ngang với giá vú sữa thường

Chất lượng cao… khó bán

Hàng triệu nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm ở ĐBSCL đang… bí đầu ra, giá bán thậm chí chỉ ngang bằng với lúa thường khiến lượng tồn đọng nhiều trong dân. Trong khi đó chi phí đầu tư và kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm khắt khe hơn rất nhiều so với lúa thường. Ông Trần Văn Năm, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm rất cực, nông dân chúng tôi phải chịu chi phí cao hơn lúa IR50404 khoảng 2-3 triệu đồng/ha. Nhưng hiện nay, lúa chất lượng cao rất khó bán và giá cũng không cao hơn nhiều so với lúa thường”…

Nông dân trên những cánh đồng lớn cũng phải tự bươn chải tìm đầu ra vì không được bao tiêu. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ tham gia các khâu cung cấp giống, thuốc trừ sâu, hướng dẫn quy trình…, khâu tiêu thụ thì nông dân tự lo. Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang – đơn vị sản xuất lúa theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global Gap) đầu tiên của Việt Nam, một mô hình kiểu mẫu của mối liên kết 4 nhà sau một thời gian ngắn hoạt động rôm rả, đến nay thì nông dân… bị bỏ rơi. “Đây là 5 vụ lúa mà 118 xã viên chúng tôi canh tác trên diện tích 86 ha phải tự tìm đường tiêu thụ vì đơn vị bao tiêu là đã tạm ngưng chương trình. Lo lắng hơn là hiện tại bằng chứng nhận Global Gap đã quá thời hạn tái công nhận 1,5 năm. Trước đây, khi còn bao tiêu (cao hơn 20% so với giá thị trường), bà con xã viên sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm (100%). Nhưng nay vì không tiêu thụ được nên bà con đã quay lại với lúa IR50404” – ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành lo lắng…

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, lo ngại: Hiện nay tỷ lệ sử dụng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm khá cao, 60-70% diện tích. Nếu đầu ra không được giải quyết tốt, nông dân sẽ quay lại trồng các giống lúa phẩm cấp thấp, phá vỡ cơ cấu giống cũng như công sức của ngành nông nghiệp suốt thời gian qua.

Tình trạng nông sản hàng hóa chất lượng cao, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Global Gap với chi phí cao nhưng đầu ra khó khăn, con đường xuất khẩu còn xa… cũng đang xảy ra với các mô hình nông nghiệp kiểu mẫu như vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), chôm chôm, bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), hành tím (Sóc Trăng)… Các hợp tác xã “kiểu mẫu” không đào đâu ra hàng ngàn USD để tái công nhận tiêu chuẩn quốc tế vốn chỉ có hiệu lực trong 1 năm. Nhiều nông dân không theo nổi việc sản xuất kiểu mới đã quay lại cách làm truyền thống.

Lệ thuộc vào thương lái

Đáng lo ngại nhất hiện nay là đầu ra nhiều mặt hàng nông sản của nông dân ĐBSCL đã và đang bị lệ thuộc rất lớn vào thương lái, thị trường Trung Quốc. Một khi phía thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng “ăn hàng”, nông dân cầm chắc lỗ nặng vì hàng hóa không biết bán cho ai, thậm chí bỏ luôn ngoài đồng vì không đủ trả tiền công thu hoạch… điển hình như câu chuyện hàng ngàn nông dân Vĩnh Long, Cần Thơ đổ xô trồng khoai lang tím Nhật để bán cho thương lái Trung Quốc. Khi họ cần nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh thu mua, giá mỗi tạ khoai được đẩy lên rất cao, đến cả triệu đồng. Nông dân ào ạt phá bỏ lúa, vườn cây ăn trái để lên liếp trồng khoai. Khi làm chủ toàn bộ đầu ra, đùng một cái, thương lái Trung Quốc đồng loạt hạ giá xuống thấp, hơn 10 lần, chỉ còn vài chục ngàn đồng/tạ, nhưng vẫn không mua. Đặc biệt, loại khoai này, hầu như không tiêu thụ được ở thị trường nội địa…

Cũng vì thị trường Trung Quốc ngưng “ăn hàng” mà nông dân trồng dưa hấu ở ĐBSCL đang thua lỗ rất lớn. 600 nông dân xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) trồng 327 ha dưa hấu đang bị thua lỗ rất lớn. Nguyên nhân chính là thị trường Trung Quốc đột ngột ngưng tiêu thụ. Ông Dương Văn Liệu, Chủ tịch xã Trường Long Hòa, cho biết: “Năm nay dưa hấu trúng mùa, năng suất từ 30-35 tấn/ha. Cuối tháng 3, giá dưa ở mức 7.000-8000 đồng/kg, nhưng từ cuối tháng 4 đến nay chỉ còn 1.300-1.500 đồng/kg. Trong khi giá thành sản xuất từ 2.000-2.200 đồng/kg khiến người nông dân lỗ nặng”. Một bằng chứng khá sinh động khác là việc tiêu thụ dừa nguyên liệu tại ĐBSCL, nhất là tại Bến Tre nhiều năm qua. Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất Việt Nam, với hơn 52.000 ha, sản lượng hơn 400 triệu trái/năm. Mỗi năm các tàu Trung Quốc trực tiếp vào sông Hàm Luông thu mua từ 30-35% sản lượng dừa khô nguyên liệu; trong đó, hơn 50% là loại tốt.

Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, cho biết: “Thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vào Bến Tre thu mua dừa nguyên liệu. Họ có đầu mối điều hành chung, khống chế, quyết định giá cả đồng loạt lên hoặc xuống trong từng thời điểm cụ thể. Vì thế họ chi phối được giá cả dừa nguyên liệu vào từng thời điểm cụ thể”. Thực tế, 1 tháng trước, giá dừa khô loại 1 tại Bến Tre ở mức 80.000-90.000 đồng/chục 12 trái. Nay thì các tàu Trung Quốc đồng loạt giảm giá thu mua chỉ còn 60.000-70.000 đồng/chục. Hiện giá dừa khá cao (gần gấp đôi so với đầu năm 2013) nhưng vào mùa dừa treo, năng suất thấp, cộng với việc các tàu Trung Quốc thu mua nhiều nguyên liệu trên sông Hàm Luông với giá cao hơn khiến cho các nhà máy lớn tại đia phương chỉ chạy được 30-40% công suất. Thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp tại địa phương đang tính chuyện ra các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan… nhập dừa về sản xuất. Giá dừa cao nhưng tâm lý nhiều nông dân vẫn rất lo lắng vì không có gì đảm bảo tính ổn định, bền vững. Vì nông dân từng chứng kiến giá dừa có lúc lên đến 160.000-170.000 đồng/chục rồi rớt xuống 10.000-40.000 đồng chục suốt thời gian dài như 2 năm vừa qua nên việc phá bỏ hoặc không đầu tư chăm sóc vườn dừa đã diễn ra./.

CầnThơ Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.