Chú trọng thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Thanh tra năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Năm 2013, toàn ngành đã triển khai gần 9.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 197.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm 326.550 tỉ đồng, 4.520 ha đất, kiến nghị thu hồi 25.225 tỉ đồng, 3.653 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính gần 4.000 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 1.600 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 72 vụ việc, 75 người. Thực hiện gần 4.000 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác, thu hồi gần 9.500 tỉ đồng , đạt tỉ lệ 66%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh công tác thanh tra cần chú trọng những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

Cả nước đã tiếp nhận trên 215.000 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phân loại và giải quyết đúng thẩm quyền hơn 78.000 đơn. Qua rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài có phương án giải quyết trên 88% vụ việc.

Trong năm, phát hiện 45 vụ tham nhũng, 99 đối tượng với số tiền 354 tỉ đồng; đã thu hồi gần 300 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 10 tập thể, 104 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng.

Tuy nhiên, mặt hạn chế là nhiều cuộc thanh tra chậm ban hành kết luận; số vụ chuyển xử lý hình sự còn ít, tỉ lệ thu hồi thất thoát không cao. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý đơn thư chậm trễ; một số vụ việc giải quyết thiếu chính xác dẫn đến tái khiếu nại; phát hiện tham nhũng còn hạn chế so với thực tế sai phạm.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu năm 2014 ngành thanh tra xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra quản lý hành chính, thanh tra chuyên ngành một cách khoa học, nhất là thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm như : đất đai, khoáng sản; thu, chi ngân sách, thu hồi nợ đọng; xây dựng cơ bản; việc sử dụng biên chế. Nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, nếu có sai sót phải sửa chữa, giải quyết đúng rồi thì kiên trì giải thích cho dân hiểu. Khi phát hiện những bất cập, không hợp lý, kịp thời tham mưu kiến nghị Chính phủ ban hành Thông tư, Nghị định để thực hiện nhằm không ngừng hoàn thiện các thể chế về pháp luật, nâng cao tính hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực./.

Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.