Chọn tạo giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng gây nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh ven biển ĐBSCL nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác chọn tạo lúa giống chịu mặn phục vụ cho sản xuất trước mắt cũng như lâu dài là cần thiết.

Để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi và nâng cao giá trị hạt gạo, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nền kinh tế hội nhập quốc tế, những năm qua Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang thực hiện hằng năm khoảng 50 tổ hợp lúa lai theo hai mục tiêu cơ bản là: tạo ra giống chống chịu mặn và giống có phẩm chất cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Công tác chọn dòng chịu mặn và tạo ra sản phẩm chất lượng thực hiện liên tục trong các vụ. Kết quả chọn tạo giống trong 5 năm qua đã đưa ra được 27 giống lúa GKG có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Một số giống có phẩm chất gạo rất tốt, mùi thơm đậm và có khả năng chống chịu mặn tốt.

Giống GKG 1 của Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang là giống chịu mặn cực ngắn ngày, được tạo ra từ phương pháp biến dị cấy mô và được Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức vào năm 2011. Hai giống GKG 8 và GKG 9 cũng được Cục Trồng trọt cho phép sản xuất thử. Riêng giống GKG 9 là giống chịu mặn tốt và cho năng suất rất cao và mới đây cũng được Cục Trồng trọt công nhận chính thức là giống cây trồng nông nghiệp mới đưa vào phục vụ sản xuất tại ĐBSCL. Trung tâm đang hoàn tất hồ sơ để sản xuất thử GKG 5 và công nhận chính thức giống GKG 8. Trong ba giống này, đặc tính nổi trội của các giống đều có năng suất cao. Giống GKG 5 có năng suất trội hơn và chất lượng gạo tương đương với giống OM 5451. Giống GKG 8 có chất lượng gạo tốt, hạt trong. Giống GKG 9 là giống có thể chống chịu mặn cao, cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

91

Việc lai tạo giống lúa chịu mặn giúp nông dân Kiên Giang dần thích nghi với biến đổi khí hậu.

Sản xuất những năm qua cho thấy, giống GKG 9 thích nghi rộng trên nhiều vùng canh tác; thích hợp cả hai vụ lúa hè thu và đông xuân. Ở Kiên Giang, trong vụ đông xuân 2013-2014, giống này đạt năng suất lúa khô từ 7-8 tấn/ha, cao hơn các giống khác ở địa phương từ 1,5-2 tấn/ha. Cá biệt có một số nông dân ở huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, An Biên, sản xuất giống GKG 9 đạt năng suất lúa khô rất cao, từ 8,6 đến hơn 9 tấn/ha.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, năm 2016, sau khi được trang bị các thiết bị hiện đại, Trung tâm tiếp tục chọn tạo giống lúa đạt năng suất cao, chống chịu mặn tốt. Năm 2016, Trung tâm chọn ít nhất 1 giống mới.

Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang còn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chọn tạo giống lúa chịu mặn năm 2014. Kết quả bước đầu cho thấy, giống GKG 4, GKG 14 và GKG 24 đã đáp ứng mục tiêu chống chịu mặn tốt. Riêng giống GKG 24 cho năng suất cao nhất; về năng suất và phẩm chất, giống GKG 4 và GKG 14 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác khảo nghiệm. Qua khảo nghiệm cơ bản vụ hè thu năm 2015, giống GKG 26 và GKG 27 có nhiều đặc tính tốt, dạng sạch đẹp, ngắn ngày cho năng suất cao. Hai giống này đang được tiếp tục khảo nghiệm các đặc tính nông học để xin Cục Trồng trọt công nhận và đưa ra sản xuất đại trà.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, Trung tâm đang tiếp tục công tác khảo nghiệm mới. Đây là chương trình thường xuyên, kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Dự kiến trong năm 2016 sẽ tiếp tục cho ra đời 3-4 bộ giống, mỗi bộ khoảng 15 giống cho mỗi vụ. Như vậy, có khoảng 120 giống và hy vọng trong số đó sẽ chọn ra được 6-7 giống có triển vọng tốt. Các loại giống này sẽ được bố trí khảo nghiệm sản xuất trên các vùng sinh thái của tỉnh.

Những kết quả đạt được trong nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới chịu mặn, chịu phèn, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, phẩm chất tốt những năm qua của Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang không chỉ giúp nhà nông chọn lựa được giống lúa mới canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và mang lại lợi nhuận cao, mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng cơ cấu giống lúa chất lượng cao trên các vùng sinh thái và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

PHƯƠNG ANH (Báo Cần Thơ)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.