Chính phủ làm việc với Đồng Tháp về tái cơ cấu nông nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030”.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong tái cơ cấu nông nghiệp thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng; điều đáng mừng là gần đây nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp nhằm có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu. Vấn đề là cần chính sách dài hạn hơn cho các sản phẩm nông nghiệp…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Theo ngành nông nghiệp Đồng Tháp, gần đây giá lúa gạo lên xuống thất thường và gặp khó về đầu ra khiến thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thực tế chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở huyện Lai Vung cho thấy, trồng mè cho lợi nhuận khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/vụ; khoai lang 250 triệu đồng/ha/vụ; đậu bắp 70 triệu đồng/ha/vụ; dưa lê lời 170 triệu đồng/ha/vụ; huệ lời 150 – 180 triệu đồng/ha; nấm rơm lời 200 – 240 triệu đồng/ha/vụ… Tất cả đều cao gấp nhiều lần so trồng lúa. Song, chưa thể nhân rộng bởi đầu ra các sản phẩm này còn hạn chế và chưa có doanh nghiệp bao tiêu…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay còn khó khăn do thường xảy ra “được mùa rớt giá”. Do đó, khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì Đồng Tháp cần phát huy thế mạnh của mình như cá tra, lúa gạo, trái cây… Đề án cần đi vào cụ thể từng sản phẩm sản xuất gắn với thị trường, mà vấn đề hợp tác là rất cần thiết; bởi không liên kết thì sản xuất nông nghiệp cứ bấp bênh. Phó Thủ tướng đánh giá cao Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên mạnh dạn lập đề án tái cơ cấu không chỉ ngành nông nghiệp mà rộng hơn là nhằm thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển bền vững theo tình hình mới. Song, cần đánh giá đúng thực trạng và bài học rút ra vì sao mô hình liên kết đã nói nhiều năm nay, nhưng việc nhân rộng còn chậm. Vậy vướng ở chỗ nào, ra sao… cần phải tìm cách giải quyết.

Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề chính sách cho nông nghiệp cần nghiên cứu theo nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những bức xúc đặt ra. Việc tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp cần gắn với qui hoạch phát triển chung của vùng ĐBSCL.

SGGP

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.