Châu Âu đối mặt khủng hoảng khí đốt vào mùa Đông tới

Cuộc khủng hoảng năng lượng giữa Nga và Ukraine đe dọa khả năng cung ứng khí đốt cho châu Âu trong mùa Đông tới, đặc biệt là với các quốc gia Nam Âu như Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì những nước này có rất ít khí đốt tự nhiên và không có nguồn cung ứng nào thêm từ Bắc Phi. Đây là nhận định đăng trên nhật báo “Le Monde” (Pháp) số ra ngày 14/7 trong chuyên mục kinh tế “lục địa già”.

Khủng hoảng năng lượng Nga-Ukraine đe dọa nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong mùa đông tới.

Theo báo trên, mặc dù Pháp ít phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga, song do Nga hiện đáp ứng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, lục địa này có thể trải qua một mùa Đông giá rét nếu kịch bản năm 2009 tái diễn, theo đó Nga cắt nguồn cung khí đốt qua đường ống của Ukraine.

Ông Gérard Mestrallet, Tổng giám đốc GDF Suez, nhận định: “Tình hình sẽ không nguy kịch chừng nào bất đồng giữa Nga và Ukraine chưa biến thành bất đồng giữa Nga và châu Âu. Mặt khác, Moskva cũng có “lợi đáng kể” khi bán khí đốt cho châu Âu, thị trường chiếm 80% lượng xuất khẩu khí đốt của Nga. GDF Suez là đối tác với Tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom của Nga từ năm 1970

Trong khi đó, Ukraine cũng được dự báo thiếu gần 6 tỷ m3 khí đốt vào mùa Đông tới sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên do Kiev chưa thanh toán nợ cho Moskva. Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Ukraine Naftogaz Andriy Kobolev cho biết do không đạt thỏa thuận trong các cuộc đàm phán về nguồn cung khí đốt của Nga cho Ukraine, Kiev có thể không đủ khí đốt trong mùa Đông tới và người dân cần phải sử dụng năng lượng một cách hợp lý để tiết kiệm 4 tỷ m3 khí đốt.

Nga đã chính thức khóa van cung cấp khí đốt cho Kiev ngay sau khi thời hạn chót mà Moskva đưa ra đối với khoản nợ của Ukraine kết thúc vào ngày 16/6 vừa qua. Hiện hai tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine đã đệ đơn kiện nhau lên Tòa án trọng tài quốc tế Stockholm (Thụy Điển). Gazprom kiện Kiev để đòi 4,5 tỷ USD tiền nợ khí đốt mà Ukraine mua của Nga, ngược lại Naftogaz đòi Moskva bồi thường 6 tỷ USD mà nước này cho là khoản bù lại số tiền mua khí đốt của Nga với giá quá cao so với trước đây.

TTXVN/ Tin tức

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.