Cảnh giác mưa lũ lớn những tháng cuối năm

Từ năm 2014 đến 2016 tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có một kỳ El-Nino mạnh kỷ lục, cường độ tương đương năm 1997-1998 và kéo dài nhất từ trước đến nay (khoảng 20 tháng).

LuQuet

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. (Nguồn: Báo Nhân Dân)

Theo số liệu thống kê, đã có hơn 475 ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; hơn 290 ngàn ha lúa, hoa màu và hơn 161 ngàn ha cây công nghiệp, cây ăn trái bị thiệt hại, với tổng giá trị gần 10 ngàn tỷ đồng.

Hiện nay, theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, những tháng tới, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển có khả năng tiếp tục giảm nhanh, do vậy khả năng xuất hiện hiện tượng La Ni-na từ những tháng cuối năm 2016 là tương đối cao, các địa phương cần hết sức đề phòng.

Những năm qua, mặc dù công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, song chủ yếu mới quan tâm đến ứng phó, còn công tác phòng ngừa chưa được đầu tư đúng mức.

Công tác dự báo gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra cực đoan, bất thường. Vì vậy, để chủ động phòng, chống những diễn biến bất thường do ảnh hưởng của hiện tượng La Ni-na trong những tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài bị hạn hán nặng nề, tâm lý chung của các địa phương bị ảnh hưởng là khẩn trương tích nước vào các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở mức cao nhất để có thể đề phòng hạn hán quay trở lại.

Trong khi đó, công việc quan trọng hiện nay là cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là trước những trận mưa lớn, lũ ống, lũ quét một cách chính xác, để giúp địa phương có cái nhìn tổng thể trong chỉ đạo công tác điều tiết nguồn nước tại các hồ chứa.

Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thành việc đánh giá phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án thuộc chương trình, củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dân vùng bị thiên tai…

Cùng với việc nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo mưa, lũ là công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh sống tại các vùng thường xuyên bị thiên tai sẵn sàng di dời khi có yêu cầu để bảo đảm tính mạng, tài sản.

Không để địa phương và người dân bị bất ngờ trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, tránh lặp lại những thiệt hại của cơn bão Lin-đa và trận lũ lụt lịch sử năm 1999 tại các tỉnh miền Trung.

Có như vậy mới tránh được những thiệt hại không đáng có, ổn định được đời sống, sản xuất của người dân ở những vùng khả năng bị ảnh hưởng.

Tiến Đạt (Báo Nhân Dân)

Link:

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/30005802-canh-giac-mua-lu-lon-nhung-thang-cuoi-nam.html

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.