Cá Linh Kho Me

Món ăn xuất hiện khi đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi. Dòng nước từ bên kia biên giới Campuchia đổ xuống, ngoài việc “làm vệ sinh” đồng ruộng, nó còn mang theo nguồn lợi thủy sản. Cá tôm từ Biển Hồ (Campuchia) theo dòng nước tràn xuống thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu, trong đó có cá linh

Thứ cá đặc sản ấy thường có mặt trong bữa ăn hàng ngày của người dân và cũng như trong các bữa tiệc đãi khách, trong đó món cá linh nấu me non dân dã làm người ăn nhớ mãi

So với các món cá linh khác thì món cá linh nấu me dân dã nhưng đậm đà: cá tươi thật ngọt, béo, xương mềm cộng với vị chua của me tươi thấm vào lưỡi làm cho người ăn phải gật gù. Ở một số nơi người ta còn cho thêm nước dừa để nước canh thơm và ngọt hơn.

Nấu món này người ta phải chọn loại cá linh tươi rói mới vớt ở sông, rửa sạch, ướp gia vị, sau đó khử hành mỡ, đổ ít nước, bỏ me để nguyên trái nấu cho ra vị chua, nêm nếm vừa ăn rồi bỏ cá linh vào nấu chín.

Mùa nước nổi cũng là mùa me non bắt đầu phát triển. Những trái me lớn cỡ ngón tay người lớn, hột non mới tượng hình, nạc me dày, có vị chua vừa phải, là gia vị “số một” cho nhiều món ngon của miền Tây Nam Bộ. Độc đáo nhất vẫn là để chế biến các món ăn từ cá linh.

Món này muốn ngon phải nấu trong lẩu để lửa liu riu cho cá thấm và ăn nóng. Khác với món canh chua cá linh, cá linh nấu me không nhiều nước. Rau ăn kèm có đọt súng, rau đắng hay bông so đũa nhưng ngon nhất vẫn là bông điên điển vàng tươi nhúng, thi thoảng cắn thêm chút ớt tươi thì thật ngon.

TNO

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.