Bộ Y tế: Cần cách ly trẻ có biểu hiện bệnh chân tay miệng

Bộ khuyến cáo theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến ngày 28/4, cả nước ghi nhận 17.410 ca mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố lại có số mắc cao và tăng hơn so với cùng kỳ 2013 như TP. Hồ Chí Minh (2.633 ca, tăng 28,9%), Bà Rịa – Vũng Tàu (1.101 ca, tăng 34,4%), Cà Mau (938 ca, tăng 15,5%), Kon Tum (112 ca, tăng 69,7%), Đắk Lắk (316 ca, tăng 3,9%).

Ngày 1/5, Bộ Y tế có khuyến cáo về bệnh chân tay miệng. Bộ nhấn mạnh: ​Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Trẻ em bị bệnh-tay-chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh tay chân miệng, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bộ cũng khuyến cáo theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

VOV online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.