Báo động xơ gan, ung thư gan

Theo báo cáo mới đây của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B sơ sinh giảm còn khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với 56% cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào khu vực có virus viêm gan B cao, khiến mỗi năm có khoảng 22.000 người chết do căn bệnh này. Tuy nhiên, hiện nay việc điều trị bệnh viêm gan B rất tốn kém và không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán.


Nên tiêm phòng ngừa viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Nhỏ không tiêm, lớn dễ viêm gan

Là một trong những nước chịu gánh nặng bệnh tật do viêm gan B, Việt Nam đã đưa vaccine viêm gan B vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 1997. Năm 2005, tỷ lệ chích ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh đạt hơn 60% và năm 2012 đạt tới 75%. Tuy nhiên, sau khi một số sự cố tai biến xảy ra trong những năm gần đây, tỷ lệ này đã giảm xuống. Theo các chuyên gia thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, với mức tiêm chủng viêm gan B cho trẻ sơ sinh chỉ đạt trên dưới 20% trong 6 tháng đầu năm 2014 đang là mối lo ngại lớn cho tình trạng nhiễm virus viêm gan B ở trẻ, kéo theo đó tỷ lệ xơ gan, ung thư gan tiếp tục tăng khi đến tuổi trưởng thành. “Trẻ dưới 10 tuổi nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mãn tính”, GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhìn nhận.

Theo các chuyên gia y tế, viêm gan B là căn bệnh dễ mắc nhưng khó điều trị và điều trị rất tốn kém. Trong đó, có tới 80% trường hợp viêm gan B, viêm gan C tiến triển xơ gan, ung thư gan. Nghiên cứu của phòng khám viêm gan Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM trên tất cả bệnh nhân nhiễm virus viêm gan điều trị nội và ngoại trú cho thấy, tỷ lệ ung thư gan do siêu vi C cao hơn và nhanh hơn so với siêu vi B. Trong khi đó, hiện chưa có thuốc ngừa viêm gan siêu vi C. Năm 2013, phòng khám viêm gan BV Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhân mắc viêm gan C đến khám (chiếm 20% trên tổng số các bệnh nhân đến khám các bệnh viêm gan). Còn tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, không ít bệnh nhân đến thăm khám và phát hiện mắc viêm gan quá lâu, đã chuyển sang xơ gan hoặc ung thư gan giai đoạn cuối. Theo thống kê của BV, trung bình khoảng 20.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính mỗi tháng, trong đó gần 20% trường hợp nhập viện vì bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn xơ gan nặng. Theo bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV phụ trách khoa khám gan của BV, riêng viêm gan C có tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng vào khoảng 4% – 5%. Nhưng nghiêm trọng hơn khi mắc viêm gan có thể làm bệnh kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Gánh nặng điều trị

Theo GS-BS Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan – Mật – Tụy TPHCM, bệnh nhân mắc viêm gan C không đủ điều kiện chữa trị do chi phí thuốc thang rất đắt đỏ. Viêm gan siêu vi C (HCV) là nguyên nhân hàng đầu gây nên xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, do người nhiễm HCV không tìm thấy nguy cơ cũng như mù thông tin về đường lây lan nên chủ quan và tìm đến sự can thiệp của y học khi ở giai đoạn đã chuyển sang mạn tính. Thống kê từ BV Bệnh nhiệt đới cho thấy, mỗi tháng BV tiếp nhận khoảng 800 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm gan, đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết viêm gan siêu vi là một trong những hiểm họa sức khỏe trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, chi phí điều trị viêm gan C rất lớn. Trong khi, BHYT nhận thanh toán cho bệnh viêm gan B, riêng bệnh viêm gan C mới chi trả cho các xét nghiệm. “Với chi phí điều trị lớn, 90% bệnh nhân nhiễm siêu vi viêm gan C không đủ điều kiện để tiếp cận với việc điều trị hoặc phải bỏ điều trị giữa chừng”, TS Châu cho biết. Hiện phác đồ điều trị chuẩn mà BV Bệnh nhiệt đới TPHCM đưa ra có chi phí điều trị cho bệnh nhân trung bình 120 triệu đồng/đợt điều trị 48 tuần. Còn nếu bệnh nhân chuyển sang xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối thì ghép gan là giải pháp cuối cùng do không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thanh toán BHYT nên bệnh nhân viêm gan C mang gánh nặng rất lớn chi phí điều trị.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM, việc chưa thanh toán hay hỗ trợ thanh toán chi phí điều trị viêm gan C do còn chờ hướng dẫn thống nhất về quy trình quản lý người bệnh để đảm bảo điều trị hiệu quả và tiết kiệm. Đồng thời xem xét phác đồ điều trị quốc gia để thống nhất sử dụng cho cả nước làm căn cứ thanh toán. Nhưng thực tế cho thấy nhu cầu điều trị viêm gan C khá lớn và một ngày ngành y tế chưa thống nhất thanh toán BHYT hay hỗ trợ một phần BHYT là một ngày gánh nặng cho người bệnh. “Điều trị viêm gan C ngay từ đầu sẽ là lợi ích cả về kinh tế lẫn cộng đồng xã hội. Đó là giảm bớt số người chuyển qua xơ gan, ung thư gan và hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng. Với khoảng 22.000 người chết mỗi năm, gấp đôi số người chết do tai nạn giao thông, bệnh viêm gan đang là một thách thức lớn cho cộng đồng và xã hội”, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, băn khoăn.

Ngành y tế khuyến cáo, để phòng ngừa viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi vaccine cho trẻ, mũi thứ nhất trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Kể cả người mẹ không mắc viêm gan nhưng trẻ có thể bị lây trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Tiêm vaccine sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B thậm chí sau khi phơi nhiễm virus. Virus viêm gan B và C đều có thể lây qua đường máu, đường tình dục, lây từ mẹ sang con hoặc qua đường tiêm chích. Do đó, cần ý thức được các đường lây truyền để có cách phòng tránh hiệu quả.

TƯỜNG LÂM/SGGP Online

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.