Bà Nguyễn Thị Bình: “Đổi mới giáo dục không chỉ ở ngành giáo dục”

Năm 2014 được xem là năm bản lề cho công cuộc đổi mới giáo dục, xung quanh đó còn nhiều nhiệm vụ mà ngành giáo dục phải làm, trước hết đổi mới thi, đánh giá…

Một trong những nhiệm vụ được xác định trong Nghị Quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là: thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Đánh giá kết quả đào tạo đại học theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; đạo đức nghề nghiệp; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; năng lực thực hành, năng lực tổ chức và thích nghi với môi trường làm việc. Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.

Bà Nguyễn Thị Bình.

Như vậy, quyền tự chủ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng phải thực hiện theo đúng chủ trương. Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã “phác họa” một kịch bản cho mùa tuyển sinh năm nay bằng bản dự thảo tự chủ tuyển sinh đối với các trường. Trong đó đề cập từ năm 2014 các trường sẽ được tuyển sinh riêng, với những trường chưa có điều kiện làm riêng sẽ vẫn thi ba chung cùng bộ.

Vấn đề bây giờ các trường phải tham khảo, nghiên cứu và xây dựng kế hoạch tuyển sinh riêng. Được tự chủ nhưng tới thời điểm này theo tổng kết mới chỉ có 31 trường trình phương án lên Bộ, điều đó cho thấy phần lớn các trường đều rất ngại thay đổi.

Trong các trường có phương án thi riêng này sẽ chủ động sử dụng kết quả thi của mình làm căn cứ tuyển sinh, với những trường thi chung cùng Bộ nhiều khả năng vẫn duy trì điểm sàn? Vấn đề này rất nhiều chuyên gia phân tích điểm sàn ở đây không đánh giá được năng lực người học, sự chênh lệch vùng miền cũng là điều bất lợi cho thí sinh.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết, có thể chấp nhận năm nay các trường chưa sẵn sàng với thi riêng, trường nào thi chung thì dựa vào điểm sàn, trường nào thi riêng có thể dựa vào kết quả thi của Bộ, nhưng không phải là sàn.

Nhưng hướng tới nhất thiết phải có tuyển sinh riêng, trong tuyển sinh riêng đó mỗi trường có kế hoạch riêng, nhưng vẫn phải cần dựa vào một cái gì chung, có thể đó là một chung chứ không phải ba chung nữa.

“Tôi nghĩ nước mình cần phải có một cái gì đó làm chuẩn trong tuyển sinh, nhưng từng trường phải linh hoạt vận dụng và chịu trách nhiệm chính dựa vào chung đó để xem, đó là một mặt bằng chung, đó là quyền của các trường. Nếu chúng ta không có cái gì chuẩn hết cũng không tốt, vì các nước cũng phải có một cái chuẩn như thế” bà Bình cho biết.

Bà Bình dẫn chứng, ở Mỹ tất cả các trường đại học Mỹ đều công nhận 2 dịch vụ tuyển sinh là SAT và ACT, các trường dựa vào đó để tuyển sinh chứ không trường nào tổ chức thi bởi vì tổ chức 1 kỳ thi tuyển sinh có chất lượng thực sự rất tốn kém, rất khó khăn.

Còn ở ta, theo bà Bình nhà nước phải lo một cái chung chứ không cần tổ chức độc lập như bên Mỹ. Trước mắt nên như vậy, Bộ GD&ĐT nên có một ngân hàng đề thi và tổ chức thi cho cả nước, đó là làm một dịch vụ giúp đỡ cho các trường.

Bà Nguyễn Thị Bình còn cho hay, còn ba chung thì còn có điểm sàn với những trường chưa có phương án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, cùng trong một trường cũng có những khoa lấy theo sàn, và cũng có những khoa không, đó là hướng tới được tự chủ hoàn toàn. Và bây giờ nhiều trường vẫn chưa có sự chuẩn bị thì không thể thay đổi ngay được.

“Không phải thi là giải quyết được mọi vấn đề, nó có tác động quan trọng tới việc cải cách dạy và học, chương trình, phương pháp, đánh giá, kiểm tra. Nhưng phải tiến tới thi riêng, vì đó là chủ trương, muốn không tự chủ cũng không được” bà Bình cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, tiến tới các trường phải tự chủ trong việc có trách nhiệm, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Tuyển sinh riêng phải có trách nhiệm với những người vào học tại trường như thế nào, có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng để đạt được đến độ của nó. Tự chủ phải hiểu ở cả trách nhiệm chứ không phải chỉ là quyền. Cho nên các trường phải tiến tới điều đó, bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ các trường để thực hiện được tự chủ.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình nhận định, năm mới đã bắt đầu thấy ngành giáo dục chuyển động, điều đó là rất tốt.

“Nghị quyết mới từ tháng 10 năm 2013, tôi cũng thấy nghành giáo dục cũng đã giục dịch, lo về chương trình, về sư phạm, thấy có một cái chuyển động. Nhưng tôi cho rằng việc bộ chuyển động là cần thiết, và hơn thế nhà nước cũng phải chuyển động, các bộ khác cũng phải chuyển động theo. Phải có một đề án tổng thể, trong đó các bộ khác cũng phải có trách nhiệm của mình, vì công việc giáo dục không thể chỉ mình bộ giáo dục giải quyết được. VD: Xây dựng trường phải có đất đai, lương bổng cho giáo viên, hay biên chế thì liên quan tới Nội vụ, nên các ngành phải vào cuộc” bà Bình khẳng định.

GDVN

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.