An Giang: Phát triển sản xuất lúa theo hướng sử dụng công nghệ cao

Tỉnh An Giang vừa phê duyệt chiến lược “Quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối cây lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu của tỉnh An Giang, từ nay đến năm 2030”. Mục tiêu của chiến lược là huy động sự tham gia của cộng đồng nông dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý tập trung canh tác lúa phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ cao; thu gom và sử dụng có hiệu quả rơm rạ, trấu để phát điện; tăng diện tích áp dụng “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm sử dụng giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân đạm, giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch); thực hiện “1 phải 6 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm sử dụng giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân đạm, giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm khí phát thải nhà kính).


Mô hình ứng dụng công nghệ cao tại An Giang (Nguồn: http://vietq.vn/)

Tỉnh An Giang đề ra chỉ tiêu tiến tới năm 2020 cắt giảm khí phát thải nhà kính từ hoạt động sản xuất lúa, gạo là 4%; sau năm 2020 mỗi năm giảm phát thải khí nhà kính tăng 1% so với năm 2020; đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính trong vận chuyển lúa gạo là 12% so với lượng phát thải năm 2013; phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh An Giang theo hướng áp dụng công nghệ cao và sản xuất lúa, gạo sinh thái.

Từ năm 2015 – 2020, tỉnh An Giang tập trung áp dụng 20% diện tích lúa toàn tỉnh có thu gom rơm rạ xử lý và không đốt tại ruộng, riêng tại huyện Châu Thành là 40%; diện tích trồng lúa giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo chương trình “1 phải 5 giảm” ở tỉnh An Giang là 80.257 ha và 5.090 ha ở huyện Châu Thành; tỉ lệ trấu thu gom để sản xuất điện trấu, nhiên liệu (trấu viên hoặc củi trấu) là 30% trên địa bàn toàn tỉnh và 50% cho huyện Châu Thành.

Từ năm 2021 – 2030, tỉnh tăng diện tích thu gom rơm rạ xử lý và không đốt tại đồng ruộng đạt tỉ lệ 40% trong toàn tỉnh và đạt 60% tại huyện Châu Thành; diện tích trồng lúa giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo chương trình “1 phải 5 giảm” ở tỉnh An Giang là 101.440 ha (chiếm 42,6%); tỉ lệ trấu thu gom sản xuất điện trấu và nhiên liệu (trấu viên hoặc củi trấu) chiếm tỉ lệ 50% trong toàn tỉnh và 75% tại huyện Châu Thành; tỉ lệ rơm rạ được thu gom để sản xuất năng lượng hoặc nhiên liệu đạt 15% trên địa bàn toàn tỉnh và đạt tỉ lệ 30% cho huyện Châu Thành.

Để thực hiện có hiệu quả chiến lược “Quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối cây lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu của tỉnh An Giang”, từ nay đến năm 2030, tỉnh An Giang tập trung vào 5 hoạt động: Nâng cao nhận thức cộng đồng nông dân, doanh nghiệp, cán bộ về lợi ích của phụ phẩm từ cây lúa, vai trò của điện trấu và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển điện sinh khối; phát triển cụm công nghiệp sinh thái lúa gạo, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xanh, phát triển các sản phẩm xanh từ chất thải cây lúa; tư vấn kết nối các nhà đầu tư tài chính, ngân hàng với doanh nghiệp, nông dân trong việc hỗ trợ vốn vay, vốn hỗ trợ xây dựng các dự án biến chất thải thành năng lượng và các sản phẩm xanh; hỗ trợ vốn trong và ngoài nước cho phát triển điện sinh khối; nghiên cứu khoa học về các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng sinh khối và các sản phẩm xanh từ phụ phẩm cây lúa, nghiên cứu kỹ thuật sản xuất điện, nhiên liệu sinh học, silica, vật liệu lọc, vật liệu cách nhiệt, phân bón, thức ăn chăn nuôi…Tỉnh cũng hợp tác quốc tế, áp dụng tiến bộ công nghệ thế giới vào công nghệ biến chất thải thành năng lượng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang: Rơm rạ phát thải nông nghiệp trong quá trình sản xuất lúa tại tỉnh An Giang, hiện khoảng trên 2,680 triệu tấn mỗi năm, riêng tại huyện Châu Thành trên 340 nghìn tấn/năm. Điều này cho thấy tiềm năng về năng lượng của tỉnh từ phụ phẩm nông nghiệp cây lúa là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay chỉ mới có 20% phụ phẩm rơm rạ từ cây lúa phát thải được người dân sử dụng, còn lại 80% bị đốt bỏ ngay trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa. Ước tính lượng phát thải CO2 từ cây lúa là trên 2,35 triệu tấn mỗi năm; riêng tại huyện Châu Thành trên 302 nghìn tấn/năm. Ngoài ra dự báo đến cuối thế kỷ 21, tỉnh An Giang có khả năng mất khoảng 235,45 km2 do ảnh hưởng nước biển dâng.

Thu Trang (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.