Ai dễ nhiễm virus Ebola nhất?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những thông tin và khuyến cáo nhằm tăng cường phòng chống dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi và có khả năng lây lan sang châu Âu, châu Á.

Bệnh do virus Ebola hay còn được biết đến như bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, được phát hiện lần đầu tiên tại Sudan và Cộng hòa Congo vào năm 1976 với tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%.

Virus Ebola lây truyền thế nào?

Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt…) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là các vật chủ tự nhiên của virus này. Ngoài ra, người ta phát hiện ra các loài vật như tinh tinh, khỉ, linh dương, nhím trong các khu rừng nhiệt đới cũng bị nhiễm bệnh.

Ai dễ nhiễm bệnh nhất?

– Các cán bộ y tế

– Thành viên gia đình hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm bệnh

– Thành viên ban lễ tang – những người có tiếp xúc trực tiếp với thi thể của người chết do nhiễm virus Ebola.

– Thợ săn – những người có tiếp xúc trực tiếp với các con vật bị nhiễm bệnh trong rừng nhiệt đới.

Triệu chứng thường gặp khi nhiễm bệnh?

Ban đầu, người bệnh sẽ có các biểu hiện như sốt, suy nhược, đau cơ, đau đầu và đau họng. Tiếp đến sẽ nôn mửa, tiêu chảy và phát ban, suy giảm chức năng của thận và gan. Ebola cũng có thể gây ra chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng và trực tràng, làm sưng mắt và bộ phận sinh dục. Thông thường, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện rõ rệt từ 8 – 10 ngày sau khi tiếp xúc. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Nếu một người ở trong khu vực bị nhiễm virus Ebola hoặc từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc bắt đầu có những triệu chứng bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị.

Cách chữa trị và phòng bệnh

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này và cũng chưa có vaccine phòng ngừa căn bệnh này.

Các biện pháp phòng lây nhiễm

– Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

– Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

– Nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm và cách tiêu hủy PPE sau khi sử dụng.

– Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.

Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola (ví dụ như: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.

WHO khẳng định chưa có thuốc đặc trị chữa căn bệnh này, vậy nên cách tốt nhất là tuân thủ nghiêm các quy định phòng bệnh./.

Hoàng Anh

Có thể bạn quan tâm
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.